Chống tệ nạn: Nỗ lực từ nhiều phía

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-7 đăng bài “Xóa tệ nạn, phải giải bài toán siêu đô thị", nhiều chuyên gia đã đưa ra một số định hướng để góp phần giải quyết vấn đề này.

TS NGUYỄN THỊ HẬU - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM:

Đầu tư quy hoạch phát triển đô thị phù hợp

Xu hướng phát triển siêu đô thị tồn tại ở nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển. Tăng dân số cơ học là hiện tượng tất yếu vì đây là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đô thị. Vì vậy hạn chế tăng dân số cơ học (hay hạn chế người nhập cư) không thể bằng biện pháp hành chính như quản lý hộ khẩu… mà bằng việc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; quy hoạch dân cư theo từng giai đoạn, phù hợp với các khu vực nội, ngoại thành. Quy trình quy hoạch đô thị (nói chung) phải làm một cách khoa học nghiêm ngặt, có tính chất liên ngành chặt chẽ giữa xây dựng - quản lý đô thị với phát triển kinh tế - xã hội

Chống tệ nạn: Nỗ lực từ nhiều phía ảnh 1

Dân số quá đông, tạo môi trường cho tệ nạn xã hội ẩn nấp, phát triển. Trong ảnh: Đầu năm 2013, TAND TP.HCM đã xử phạt 30 bị cáo tổ chức đá gà ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Ảnh: HY

Một vấn đề khác có thể nhận thấy là các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm giải quyết tệ nạn xã hội nhưng thực sự chưa đạt hiệu quả cao. Theo tôi, để giải quyết hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý cần làm đúng chức trách và nghiêm minh hơn khi xử lý tệ nạn, tội phạm. Các cơ quan cũng phải tôn trọng ý kiến phản ánh và đóng góp của cộng đồng, nhất là những khu vực thường xuyên có tệ nạn. Các ngành, các địa bàn có sự phối hợp đồng bộ hơn khi thực hiện các biện pháp đấu tranh ngăn ngừa tình trạng này.

Về lâu dài cần những giải pháp nhằm vào nguyên nhân căn bản làm sao cho tình hình kinh tế bớt khó khăn, giảm thất nghiệp, ổn định kinh tế nông nghiệp ở nông thôn để nông dân yên tâm làm ăn không đổ lên thành phố. Cơ chế quản lý đô thị cần thay đổi phù hợp với quy mô và tính chất phát triển đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM…

Chuyên gia NGUYỄN THỊ HƯƠNG, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM:

Gia đình phải là chỗ dựa

Việc tạm ngưng hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp thời gian qua đã làm cho số lượng lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Do đời sống gia đình khó khăn, xã hội thay đổi nhanh, người chưa thành niên không thích ứng kịp. Tâm lý của các em trong giai đoạn này lại thiếu ổn định, bốc đồng, nhạy cảm với cái mới mà chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý dẫn đến những hành vi không đúng với chuẩn mực. Vì mải lo công việc, nhiều bậc cha mẹ ít có thời gian quan tâm chia sẻ cùng con cái... Thế nên giai đoạn này, người chưa thành niên thường dễ bị dụ dỗ lôi kéo vào con đường phạm tội và cũng đã có trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp của, hiếp dâm...

Thiết nghĩ ngay trong gia đình, cha mẹ cần làm gương, dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc con cái, tạo bầu không khí thoải mái, lành mạnh để các em tin tưởng chia sẻ. Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc trong sinh hoạt hằng ngày cho con cái. Khi con phạm lỗi không nên dùng bạo lực mà cần giải thích, giúp con sửa sai và khắc phục… thì sẽ góp phần giúp con cái tránh đi sai đường, xã hội sẽ ổn định.

Đừng chữa từng bệnh một

Khi đạt đến mức siêu đô thị về dân số (trên 10 triệu dân) thì sẽ tạo ra sự quá tải toàn diện, từ giao thông, y tế, cấp thoát nước, an ninh... Thành phố đông dân thường được xem như thành phố mắc bệnh béo phì dân số, tạo ra môi trường tốt cho tệ nạn xã hội ẩn nấp, phát triển. Nó cũng như cơ thể con người, khi đã mắc bệnh béo phì thì sẽ kéo theo hàng loạt các bệnh khác. Nếu chỉ loay hoay chữa huyết áp thì nó sẽ ra bệnh tiểu đường, chữa được tiểu đường thì nó ra bệnh tim mạch... Phải kết hợp trị nhiều bệnh cùng lúc thì cơ thể mới khỏe nổi.

Thành phố hiện nay đang phát triển theo kiểu cơi nới, rất không bền vững. Chúng ta cần phải khống chế mật độ dân số tối đa là bao nhiêu, nếu có tăng thêm thì phải mở ra những khu đô thị vệ tinh chứ không thể vo tròn trong thành phố được.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu miền Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm