Chuyển công chứng công sang tư: Dân bị ảnh hưởng gì?

Thông tin một phòng công chứng (PCC, tổ chức công chứng công) của tỉnh Lâm Đồng được chuyển thành văn phòng công chứng (VPCC, công chứng tư) với giá nhận chuyển đổi là 1,8 tỉ đồng làm nhiều người thắc mắc: Vì sao phải chuyển đổi từ PCC sang VPCC? Người dân bị ảnh hưởng gì từ việc chuyển đổi này?...

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Theo Điều 21 Luật Công chứng thì trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC, Sở Tư pháp sẽ lập đề án chuyển đổi PCC thành VPCC trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc chuyển đổi này nhằm mục đích tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các địa phương chỉ thành lập PCC ở những địa bàn còn khó khăn, chưa có điều kiện xã hội hóa công chứng để giảm gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước. Tại thời điểm này, ngoài Lâm Đồng thì Cần Thơ cũng có hai PCC đã được phê duyệt đề án cho chuyển đổi.

Phòng Công chứng số 1 (TP.HCM), một trong những tổ chức công chứng nhà nước hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: HTD

Cũng theo Luật Công chứng, VPCC được thành lập từ việc chuyển đổi PCC phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của PCC đó. Như vậy, người dân không có gì phải lo ngại về các hồ sơ của mình đã được công chứng trước đó tại các PCC bị giải thể.

Vậy tới đây, các PCC ở TP.HCM có thực hiện việc chuyển đổi như thế?

Với câu hỏi này, ông Huỳnh Văn Hạnh thông tin: “Khoản 1 Điều 6 Nghị định 29/2015 của Chính phủ có quy định: Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có từ năm PCC trở lên thì Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Nội vụ, LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch chuyển đổi các PCC trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Do có bảy PCC nên TP.HCM thuộc trường hợp phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi chung trình UBND TP phê duyệt, trên cơ sở đó có đề án chuyển đổi cho từng PCC”.

Ông Hạnh cho biết thêm: “Tuy nhiên, cần phải thấy rằng các PCC của TP.HCM hoạt động rất có hiệu quả, tạo được uy tín, thương hiệu, đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, đã thực hiện cơ chế tự chủ toàn phần về tài chính. Hằng năm các đơn vị này đóng góp cho ngân sách khoảng 60-65 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với nguồn thu từ thuế của các VPCC. Chính vì thế, trong thời gian từ nay đến năm 2020, Sở Tư pháp TP sẽ kiến nghị UBND TP và Bộ Tư pháp thực hiện chuyển đổi có lộ trình, xem xét cho phép giữ lại 3-4 PCC để có vai trò định hướng, chủ đạo cho hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn TP, là cơ sở, tiền đề cho Sở Tư pháp triển khai các vấn đề liên quan đến hoạt động công chứng và thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm