Có những cô cậu tú không viết nổi lá đơn

Tôi nhận thấy bài “Hụt hơi chạy trường cho con”“Rạc người vì thi cử” trên Pháp Luật TP.HCM hai ngày gần đây phản ánh khá đúng nỗi bức xúc của nhiều gia đình lâu nay. “Từ bậc tiểu học đến đại học là hàng loạt kỳ thi. Mùa hè của học sinh nước ta luôn là mùa vất vả của học sinh và các bậc phụ huynh có con em đang học các lớp cuối cấp” - một thầy giáo nói vui với tôi như thế.

Đang giảng dạy tại một trường trung học quốc tế và có nhiều lần đi tập huấn chuyên môn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tôi không ngạc nhiên trước thành tích tốt nghiệp cao của học sinh THPT các TP lớn như TP.HCM, Huế và Hà Nội. Bởi lẽ nỗ lực học tập của chính các em rất lớn, cộng với sự hỗ trợ đắc lực của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn khi năm nay, các tỉnh thuộc khu vực còn khó khăn lại có tỉ lệ đậu cao một cách khó hiểu. Thực chất năng lực trí tuệ của học sinh có đúng với tỉ lệ tốt nghiệp thể hiện hằng năm hay đó chỉ là thành tích ảo?

Có những cô cậu tú không viết nổi lá đơn ảnh 1

Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh đã tốt nghiệp THPT không viết nổi một tờ đơn khi được yêu cầu. Nhiều du học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài học tập đều buộc phải học lại những kiến thức kỹ năng thực hành cơ bản của các lớp dưới (!).

Một người bạn lớn tuổi của tôi đang công tác ở trường THPT nọ cũng cho biết hơn 40 năm trước, việc học chủ yếu là ngồi trong lớp nghe giảng, ghi chép lại rồi về học thuộc hoặc làm lại những bài tập đã được gợi ý hướng dẫn để có thể ứng dụng trong những kỳ thi. Đến nay, lối học hành thi cử theo kiểu học vẹt này vẫn là chủ yếu. Riêng đối với cách tổ chức thi cử như hiện nay, tỉ lệ cao thấp có thể được điều chỉnh dễ dàng thông qua hai khâu quan trọng. Đầu tiên là khâu chọn đề thi. Đề thi khi được chọn chưa thật sự công bằng và khoa học, có khi câu hỏi trong đề thi (như môn sử và địa năm nay) lại không có trong sách kiến thức chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến không ít học sinh gặp khó khăn. Tiếp đến, giám thị coi thi phải làm việc thật nghiêm túc bởi chỉ cần lơ là đôi chút, kết quả kỳ thi đã bị sai lệch rất nhiều. Nhiều địa phương thường dễ dãi cho qua để cùng hưởng kết quả cao, dù hội đồng chấm thi phát hiện có nhiều bài làm giống nhau cũng phải công nhận kết quả này.

Còn nhớ cách đây năm năm, ngành giáo dục đã có quyết tâm hành động chống bệnh thành tích. Chính quyết tâm trên đã làm căn bệnh chạy đua theo thành tích tại một số địa phương thuyên giảm ít nhiều. Nay căn bệnh này đang tái phát và có phần trầm trọng hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã làm cho nhiều người có tâm huyết với ngành giáo dục thực sự lo âu với cái gọi là “siêu thành tích”, “tỉ lệ đẹp”, “cao bất ngờ”, “tăng đột biến”… của ngành giáo dục.

Theo tôi, việc đánh giá theo tỉ lệ chung của từng trường, từng địa phương mà ngành giáo dục vẫn duy trì suốt thời gian dài đã thật sự kém hiệu quả. Sao không đánh giá chất lượng giáo dục dựa vào lượng học sinh thi đậu vào các trường đại học uy tín trong nước, từ đó bỏ đi các kỳ thi không cần thiết để giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh?

NGUYỄN MẠNH THẮNG (Trường Quốc tế Việt Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm