‘Cơn giông ở Hà Nội mạnh như bão’

“Khoảng 1.300 cây xanh gãy đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận nội thành, hai người chết và năm người bị thương. Hệ thống điện tê liệt tại nhiều quận/huyện, hàng chục nhà cửa tốc mái, xe cộ bị đè bẹp”. UBND TP Hà Nội thông tin tại cuộc họp khẩn sáng qua để khắc phục hậu quả trận mưa giông chiều 13-6.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) báo cáo đã có 108 sự cố trên hệ thống lưới điện, gây mất điện hầu hết các quận/huyện trong đêm 13-6. Đến sáng 14-6, các sự cố cơ bản đã được khắc phục xong, riêng 10 cột điện bị gãy trên địa bàn xã Tiến Xuân và Yên Bình của huyện Thạch Thất vẫn đang được thay thế.

Hàng ngàn người khẩn trương khắc phục hậu quả cơn giông ngay trong đêm 13-6. Đến trưa 14-6, tình hình cung cấp điện, giao thông... tương đối ổn định. Ảnh: CTV

Trong hơn 800 cây xanh gãy đổ trong nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ đường kính 50-150 cm và sáu cây đa cổ thụ, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng, bằng lăng tím... Các đơn vị quản lý công viên, cây xanh của Hà Nội đã phải huy động hàng ngàn người để dọn dẹp suốt đêm. Thiệt hại nặng nề nhất là quận Hai Bà Trưng do có hai người bị cây đè chết, hơn 200 cây gãy đổ.

Tại cuộc họp sáng 14-6, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, quận/huyện phải trực tiếp kiểm tra, đốc thúc việc khắc phục hậu quả của mưa giông. Các lực lượng chuyên môn tiếp tục tập trung giải quyết các sự cố về cây xanh, lưới điện..., sớm đảm bảo giao thông thông suốt. “Trong thiên tai, chủ tịch UBND TP là người chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên địa bàn TP, còn tại các quận/huyện thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” - ông Thảo khẳng định.

Giông, lốc mạnh xuất hiện nhiều trong tháng 6

Ngày 14-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải thông tin: Ở nước ta, trong các tháng 5, 6 thường có nhiều giông, lốc nhất trong năm (các tỉnh phía Nam thì có thêm tháng 4). Các cơn giông, lốc mạnh thường xuất hiện vào buổi chiều.

“Thời gian tới, ở Hà Nội khó có khả năng xảy ra giông, lốc mạnh như các địa phương khác. Những tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì có thể xảy ra những cơn giông mạnh hoặc cực kỳ mạnh. Các cơn giông thường xuất hiện rất nhanh, từ khi xuất hiện đến khi kết thúc nhiều nhất là ba giờ, ngắn nhất là 30 phút” - ông Hải dự báo.

Ông Hải cho biết cơn giông cực mạnh quét qua Hà Nội chiều 13-6 rất hiếm xảy ra, chừng 5-7 năm mới có một cơn. Cơn siêu giông này có gió mạnh đến cấp 8-9, tương đương một cơn bão nên cực kỳ nguy hiểm.

“Khu vực nội thành Hà Nội thường có giông mạnh hơn các vùng lân cận và vùng nông thôn. Lý do là vì trong nội thành có nhiều nhà bê tông nên hấp thụ một lượng nhiệt rất lớn từ mặt trời trong ngày, tạo ra hiện tượng đối lưu nhiệt mạnh hơn các khu vực khác” - ông Hải lý giải thêm.

Khi có giông lớn cần tìm nơi trú tránh ngay

Dấu hiệu nhận biết giông, lốc sắp xảy ra là những đám mây đen phát triển rất nhanh, trời tối nhanh, gió mạnh lên và giật theo từng cơn, trời mát rất nhanh. Khi thấy những hiện tượng như vậy, người đi đường cần tìm những nơi trú tránh an toàn, còn người đang ở nhà thì không nên ra đường.

Ông TRẦN QUANG NĂNG, Phó Trưởng phòng Dự báo
khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo
Khí tượng Thủy văn Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm