Con ly hôn, cha mẹ đòi nhà

Anh T. kể cha mẹ vợ mua lô đất tái định cư của bà N. vào năm 1997, sau đó xây lên một căn nhà cấp bốn. Năm 1998, vợ chồng anh mua lại căn nhà này với giá 100 triệu đồng. Vì bên bán là cha mẹ vợ nên anh không yêu cầu lập bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc mua bán.

Anh T. muốn chia đôi căn nhà vì là tài sản chung của vợ chồng nhưng vợ anh không đồng ý. Theo người vợ, thu nhập của chồng không ổn định, bản thân chị chỉ là công nhân nên lấy đâu ra 100 triệu đồng để mua nhà. Chị xác định vợ chồng mình chỉ ở nhờ nhà của cha mẹ, giờ cha mẹ đòi thì phải trả lại.

Con ly hôn, cha mẹ đòi nhà ảnh 1

Lý giải việc giấy hồng ghi tên con gái và con rể là đồng sở hữu, mẹ vợ anh T. cho biết vợ chồng bà sức khỏe yếu, không đủ điều kiện đi lại. Tin tưởng con gái và con rể, bà giao cho họ làm thủ tục xin cấp giấy hồng. Đối với tờ giấy tái xác nhận việc mua bán nền tái định cư lập năm 2006 (ghi bên mua là vợ chồng anh T.), người mẹ vợ cho biết giấy này được lập chỉ để tiện việc hợp thức hóa nhà.

Tháng 8-2009, TAND quận 10 xử sơ thẩm vụ án và chấp nhận ý kiến trên của người mẹ vợ. Anh T. không có chứng cứ chứng minh mình đã mua nhà của cha mẹ vợ. Dựa trên nhiều lời khai chống lại anh T., cấp sơ thẩm xác định vợ chồng anh T. chỉ đứng tên giùm nên bác yêu cầu chia nửa căn nhà của anh. Cuối tháng 10-2009, phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM cũng y án sơ thẩm.

Bị tước quyền sở hữu căn nhà, anh T. xuất trình bản tường trình đánh máy lập sau phiên tòa sơ thẩm 10 ngày, có dấu vân tay mà anh cho là của bà N. Anh nói sau phiên sơ thẩm, bà N. đã chịu kể ra sự thật khác với lời khai của bà trước đó. Trong bản tường trình, bà N. xác nhận mẹ vợ anh T. đã bán nhà đất cho vợ chồng anh. Vợ chồng anh T. là người mua mới. Vì vậy, người mẹ vợ đã chuyển giao hẳn nghĩa vụ thanh toán nốt 25 triệu đồng tiền mua nhà bà còn nợ sang cho vợ chồng anh. Anh T. đã thanh toán xong phần nợ này.

Lời khai nào của bà N. là thật? Nên chăng vụ án cần được xem xét lại ở thủ tục giám đốc thẩm để có những phán quyết thuyết phục hơn.

Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần xác định rõ trách nhiệm chứng minh

Khi thụ lý xem xét giải quyết vụ án dân sự, tòa án có quyền công nhận hoặc bác bỏ giá trị pháp lý của chứng từ do cơ quan hành chính cấp. Thực tế, có chứng từ che giấu uẩn khúc cần được tòa án soi rọi để làm sáng tỏ sự thật vụ án. Tuy nhiên, chứng từ do cơ quan hành chính cấp là loại chứng cứ không cần chứng minh. Tòa án cần thận trọng khi bác bỏ chúng. Muốn tránh sai sót, tòa án phải xem xét toàn diện, khách quan và hợp logic các tài liệu do người phủ nhận chứng từ đưa ra. Nếu bác bỏ sai, tòa án sẽ gây ảnh hưởng tới sự ổn định của các giao dịch dân sự, đồng thời ít nhiều gây tổn hại đến uy tín của cơ quan hành chính.

Trong vụ án này, tòa án buộc anh T. xuất trình chứng cứ chứng minh đã mua nền đất từ cha mẹ vợ, trong khi anh đang đứng tên trên giấy chủ quyền là lập luận ngược về trách nhiệm chứng minh. Cái tòa án cần xem xét là các tài liệu do cha mẹ vợ của anh T. đưa ra để đòi lại nhà, lý lẽ thuyết phục vì sao họ phải nhờ con rể đứng tên giùm... Trách nhiệm chứng minh bao giờ cũng là vấn đề quan trọng cần xác định đúng để giải quyết thấu đáo một vụ án dân sự.

HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm