Con nghiện đòi cha chia tài sản

Ông Nguyễn Văn L. (Tây Ninh) - người cha bất hạnh trong chuyện này cho biết: Vợ ông mất cách đây mấy năm, ông một mình nuôi ba con ăn học. Cô con gái đầu học hành có việc làm ở TP.HCM, con trai út đang ở với ông cũng không đến nỗi gì. Riêng T., cô con gái thứ hai, đang là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM lại đâm ra nghiện ngập và bỏ học.

Nhiều lần phá tán tài sản

Theo ông L., cách đây ba tháng, con gái ông đưa một thanh niên tên S. về nhà chơi. Mới đầu S. mua về cho ông cái máy lọc nước trị giá 1 triệu đồng, ông cũng thấy vui vui đón tiếp đàng hoàng. Tuy nhiên, thấy hai người quá thân mật, ăn ngủ chung nên ông cũng đâm lo, theo dõi và phát hiện ra sự thật đau lòng. Ông L. kể: “Qua quan sát tôi thấy S. có nhiều biểu hiện lạ, người gầy ốm, liên tục hút thuốc. Còn T. ngày càng xin tiền nhiều hơn. Tôi nhờ người dò la tin tức T. ở trường thì phát hiện con gái đã bỏ học và không ai rõ địa chỉ sinh sống. Cách đây không lâu, tôi phát hiện T. và S. bị nghiện ma túy. Riêng S. là một tay giang hồ và thường xuyên sang Campuchia mua ma túy đem về TP.HCM bán”.

Sau khi phát hiện con gái bị nghiện ma túy, ông đã gọi điện thoại khuyên nhủ T. từ bỏ người yêu nghiện ngập, về Tây Ninh làm lại cuộc đời. Ông sẽ mua xe cho và tạo điều kiện để làm ăn kiếm sống. Không những T. không nghe lời mà còn gọi điện thoại, nhắn tin vào máy của ông đe dọa. Nhiều lần S. dùng điện thoại của T. nhắn tin yêu cầu ông L. chu cấp tiền bạc, nếu không sẽ giết cả nhà.

Con nghiện đòi cha chia tài sản ảnh 1

Tiếp đó, T. lừa chị ruột lấy một chiếc xe máy trị giá hơn 40 triệu đồng đem đi bán, sau đó liên tiếp gọi điện thoại đe dọa khiến cô này phải chuyển nhà, không dám sống chỗ cũ. Sau đó T. gọi điện thoại cho em trai đang ở Tây Ninh lên TP.HCM chơi và lừa lấy luôn xe máy. Khi gia đình hỏi, T. bảo đem cầm lấy 7 triệu đồng, muốn lấy lại xe thì mang tiền lên để chuộc. Tin lời, ông L. cầm tiền lên Công viên Hoàng Văn Thụ đưa cho T., ông ngồi chờ để T. đi chuộc xe. Ai dè chờ hoài không thấy con gái đâu, điện thoại không liên lạc được.

Đòi chia thừa kế

Vừa nén cơn thở dài, ông L. mở điện thoại cho phóng viên xem tin nhắn: “Ông là một người cha tồi. Pháp luật nằm trong tay tôi, ông thừa biết nếu tôi kiện ông thì chắc chắn ông sẽ thua, ông thử đi hỏi luật sư đi”…

Ông L. lo lắng trình bày: “Gia đình đã họp mặt và gọi T. về phân tích, động viên nhưng cháu kiên quyết không chịu. Mới rồi cháu đã gửi đơn ra tòa đòi chia tài sản của mẹ. Chúng tôi có hỏi ý kiến của một số luật sư và được tư vấn T. có cơ sở để kiện.

Gia tài của tôi được mấy hecta cao su cùng với nhà cửa, tổng giá trị tài sản khoảng 6 tỉ đồng. Tôi đồng ý chia phần tài sản của vợ cho các con vì mình làm ra cũng chỉ để cho các con chứ không giữ làm gì. Tôi nuôi các cháu ăn học đàng hoàng, cháu nào có nhu cầu mua xe, mua nhà, cưới hỏi, dù không có tôi cũng sẽ đi vay vì đó là trách nhiệm của người cha. Nay con bị nghiện, tôi không thể làm gì để cứu vãn cuộc đời của nó. Ngay cả địa chỉ của cháu dưới TP.HCM cũng không biết. Mà mang cho cháu nó một số tiền lớn nó lại nghiện ngập, hút chích nhiều hơn. Tôi không sợ mất tiền, chỉ sợ mất con”.

Anh Nguyễn Quang A. - chú ruột của T. cũng cho biết: “Cách đây khoảng một tuần, T. cùng S. về nhà và gây áp lực cho cả gia đình. Chúng tôi phải họp toàn thể anh em, chú cháu trong nhà lại để giải quyết nhưng T. vẫn kiên quyết đòi kiện nếu không được chia tiền. Giờ chưa biết phải tính làm sao đây. Do không biết địa chỉ của cháu T. và người yêu tên S. trên thành phố ở đâu, mỗi lần về chúng nó lại ở khách sạn, thoắt ẩn thoắt hiện, lúc ở Tây Ninh lúc ở Campuchia, điện thoại lúc liên lạc được, lúc không”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông L. nguyên là một cán bộ nghỉ hưu, được người dân, bà con chòm xóm xung quanh kính trọng. Lo lắng của ông L. là chính đáng, thể hiện trách nhiệm người cha. Về nguyên tắc, pháp luật cho phép người con thành niên được quyền đòi chia tài sản thừa kế của mẹ, cô T. có quyền đòi chia thừa kế cho mình. Tuy nhiên, trong điều kiện này việc áp dụng pháp luật cần thực hiện như thế nào cho phù hợp để phần tài sản thừa kế không bị sử dụng hoang phí và tổn hại cho sức khỏe ngay chính cô T?

Có thể nhờ tòa tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự

Theo pháp luật, người nghiện ma túy không bị tước quyền được hưởng di sản. Do vậy, người con có quyền hưởng di sản của mẹ. Ở đây, người cha cũng không có ý định tranh chấp tài sản nên việc phân chia tài sản thừa kế có thể thực hiện qua thỏa thuận hoặc do tòa án giải quyết.

Về băn khoăn của người cha, ngại con sử dụng tài sản cho việc hút chích, nghiện ngập cũng có cách giải quyết. Nếu đủ căn cứ chứng minh người con nghiện ma túy có khả năng phá tán tài sản (hai lần bán xe máy) thì người cha hay những người có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa tuyên bố người con bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự. Khi đó, tòa án cũng sẽ quyết định chọn ra người đại diện theo pháp luật cho người con. Người đại diện này sẽ có quyền quyết định việc sử dụng tài sản bảo đảm có hiệu quả tốt nhất cho người con.

Người con khi bị tòa tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ không thể tự mình sử dụng phần di sản được chia mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật. Giao dịch dân sự với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ bị vô hiệu.

ThS NGUYỄN XUÂN QUANG, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚghi

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm