Công chứng tư khác gì công chứng công?

Thông tin TP.HCM sắp mở nhiều văn phòng công chứng (còn gọi là các tổ chức công chứng tư) để “cạnh tranh” với bảy phòng công chứng (còn gọi là các tổ chức công chứng công) thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều người thắc mắc: Công chứng tư khác công chứng công ở chỗ nào? Hoạt động của công chứng tư có “đụng hàng” với thừa phát lại? v.v...

Giá trị y nhau

Dù làm công hay tư thì các công chứng viên đều có những tiêu chuẩn, nhiệm vụ như nhau. Theo Điều 13 Luật Công chứng, cả hai “ông” đều phải hội đủ các điều kiện sau đây mới được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên: có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng...

Về nhiệm vụ, cả hai đều được chứng nhận các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Chẳng hạn, công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho, thế chấp nhà, đất; công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản...

Trước đây, do “một mình, một chợ” nên người dân chỉ biết đến công chứng công. Dẫu gì thì đó cũng là của nhà nước nên đỡ lo ngại có sự cố. Giờ đến công chứng tư, người dân có thể yên tâm về giá trị của các văn bản được tổ chức này chứng nhận?

Luật Công chứng không hề có sự phân biệt người thực hiện việc công chứng. Công chứng tư hay công chứng công đều thực hiện nhiệm vụ chung được nhà nước giao, được sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Cho nên, được công chứng công hay công chứng tư thì giá trị pháp lý của các văn bản công chứng “y chang” nhau.

Ngoài ra, đối với những thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra, công hay tư cũng đều phải bồi thường các thiệt hại phát sinh.

Thù lao có thể khác nhau

Điểm khác nhau chủ yếu giữa công chứng tư và công chứng công là về mặt tổ chức. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập. Nếu do một công chứng viên thành lập, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Nếu do hai công chứng viên trở lên thành lập, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Hiện TP.HCM đã có bảy phòng công chứng đặt ở các khu vực khác nhau. Để có sự phân bổ hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch, Sở Tư pháp đang lập đề án trình UBND TP về quy hoạch địa điểm hoạt động của các văn phòng công chứng. Chưa rõ nội dung quy hoạch thế nào nhưng trước mắt, các phòng công chứng đang có lợi thế về mặt bằng rộng rãi do nhà nước lo, vị trí thuận tiện, nhân sự đông và lượng khách hàng thân quen. Ngoài ra, các phòng công chứng đều được nối mạng với các cơ quan chức năng để có thể truy cập dễ dàng các thông tin nhà, đất liên quan, giúp việc công chứng được chính xác. Nhiều khả năng các công chứng tư cũng được nối mạng như thế (tất nhiên phải tuân theo những quy định liên quan) để có thể hoạt động bình đẳng với công chứng công mà vẫn thực hiện được việc bảo mật cần thiết.

Một khác biệt nữa là các khoản thu liên quan đến việc công chứng. Luật Công chứng quy định có hai khoản thu là phí công chứng và thù lao công chứng. Mức thu phí công chứng được thực hiện chung theo quy định (hiện nay là theo Thông tư liên tịch 93 ngày 21-11-2001 của hai bộ Tài chính, Tư pháp). Điều này có nghĩa là công hay tư đều thu phí công chứng bằng nhau. Song thù lao công chứng (dành cho việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp...) hay các chi phí khác (liên quan đến việc xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở) thì các tổ chức được tự xác định, không bắt buộc phải giống nhau. Qua thăm dò, một số công chứng viên tư cho biết để tiện gọn, có thể họ sẽ thu trọn gói cả hai khoản trên theo tùy loại việc.

Thừa phát lại: Một dạng của thi hành án tư

Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình tổ chức thừa phát lại tại TP.HCM để trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương vào quý III năm 2008 và hoàn chỉnh vào cuối năm. Công chứng tư khác sao với thừa phát lại? Có thể so sánh gọn như sau: Nếu công chứng tư thực hiện việc công chứng hợp đồng thì thừa phát lại chủ yếu làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ, tống đạt các giấy tờ.

Theo lộ trình, thừa phát lại (hay thừa hành viên) cũng được tổ chức thành văn phòng thừa phát lại (hay thừa hành viên), đảm nhận các công việc sau đây:

+ Tống đạt các quyết định, giấy tờ về thi hành án và tòa án.

+ Xác minh điều kiện thi hành án.

+ Lập vi bằng để làm chứng cứ trong các hoạt động tư pháp (xét xử, thi hành án, công chứng...). Chẳng hạn, A bắt quả tang chồng mình ngoại tình. Để có chứng cứ nộp cho tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn, A có thể yêu cầu thừa phát lại đến lập biên bản ghi nhận sự việc, miêu tả tình tiết liên quan...

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm