Công nhân chật vật mùa không tăng ca

Mùa không tăng ca của công nhân thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, công nhân rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Nhiều người chọn đi làm thêm nhưng không phải ai cũng đủ sức.

Xoay xở làm thêm sau giờ tan ca

Những tháng không tăng ca, Quang (công nhân Công ty May AMW, KCN Vĩnh Lộc) đã xoay xở làm thêm sau giờ làm mới đủ sống. Quang cho biết: “Ban đầu mới đi làm nản lắm, muốn bỏ về quê nhưng về lại không có gì làm cả, đành quay lại. Trông cho tới tháng gần tết có hàng nhiều mà làm, để được tăng ca chứ đồng lương hiện giờ thiếu trước hụt sau. Ngoài giờ làm ở công ty, mình tranh thủ làm thêm ở ngoài”. Quang cười méo khi được hỏi về công việc làm thêm: “Thợ đụng mà, đụng đâu làm đó, không có chọn lựa việc này việc kia đâu. Hôm thì làm bốc vác, hôm thì nhận chở hàng… Việc gì mình cũng làm, miễn kiếm ra tiền”.

Những ngày tháng này, chị Thủy (công nhân Công ty May Đông Phúc, KCN Sóng Thần) cũng chật vật với các khoản chi tiêu khi thu nhập của cả hai vợ chồng một tháng chưa được 5 triệu đồng mà phải trả tiền trọ hết 1 triệu và lo cho hai đứa con ăn học. Đói thì đầu gối phải bò, sau giờ tan ca, chị đón xe buýt đi rửa chén bát thuê cho một nhà hàng. Công việc căng thẳng rồi chạy lui chạy tới nhiều nơi đã khiến chị Thủy kiệt sức, đành nghỉ làm thêm ngày thường, giờ chỉ còn làm thêm ngày Chủ nhật. Bữa cơm thịnh soạn cuối tuần của hai vợ chồng chị hôm ấy là vài con mắm cùng một ít cải luộc. “Có lúc thấy thèm, muốn mua con cá ăn nhưng có dám đâu, mình phải nhịn để chi vào khoản khác, nào tiền trọ, tiền học cho con, rồi con đau ốm bất chợt…” - chị tâm sự.

Sau giờ tan ca, anh Quang tranh thủ kiếm thêm tiền bằng công việc chở gas cho một đại lý. Ảnh: T.TUYỀN

Tôi ghé thăm căn phòng trọ của chị Mai (công nhân Công ty TNHH Cholimex, KCN Vĩnh Lộc) vào một ngày Chủ nhật. Chị dọn cơm ra, mâm cơm vỏn vẹn chỉ có một nồi cơm nhỏ cùng một tô canh. Bí đao nấu với huyết - chị bảo đó là món ruột của chị. Với thu nhập 3 triệu đồng/tháng, chị phải chắt bóp từng đồng để vừa lo cho con ăn học, vừa trang trải chi phí sinh hoạt. Chị mời tôi uống nước, chỉ mới nhấp môi, tôi đã cảm thấy khắc ở cổ. Thấy tôi nhăn mặt, chị bảo: “Ngày nào chị cũng uống món trà đường này hết, uống cho có sức, bỏ đường vào uống sẽ thấy đỡ mệt hơn, chỉ còn cách này để bù sức thôi”. Chị Mai cho biết thấy đồng nghiệp đi làm thêm đủ nghề sau giờ tan ca như bán trái cây, rửa chén, phụ quán cơm…, chị cũng muốn đi lắm nhưng không đủ sức. Vừa tan ca, chị phải lo chạy về đón con, rồi lo cơm nước, giặt giũ… Xong, chỉ muốn lăn ra ngủ để mai có sức làm tiếp.

Nỗi niềm ngày Chủ nhật

 “Chủ nhật tiền vô không thấy chỉ thấy tiền ra” - công nhân tại xóm trọ tập thể gần KCN Vĩnh Lộc thường hát đùa nhau như vậy khi nói về ngày Chủ nhật của họ.

Ngày nghỉ chưa hẳn đã là niềm vui đối với hầu hết công nhân tại các KCN. Ai cũng muốn được nghỉ ngơi, thoải mái sau một tuần làm việc nhưng cái thiếu thốn cứ quấn riết lấy họ. Tay chân thảnh thơi đó nhưng đầu óc họ lại lo nghĩ về ngày mai.

Vừa chuẩn bị bữa trưa, chị Minh (công nhân Công ty TNHH Cholimex, KCN Vĩnh Lộc) vừa lắc đầu: “Bình thường đi làm thì bữa trưa công ty người ta lo, mình không phải nấu nướng này kia. Nếu tăng ca thì lại được ăn cả buổi tối luôn. Tính ra một ngày mình chỉ lo bữa sáng, đỡ nhiều lắm. Còn Chủ nhật “bị” nghỉ, vừa không làm ra tiền mà còn chi nhiều hơn, phải lo ba bữa, mà chưa kể những thứ lặt vặt khác nữa. Không thu vào đồng nào mà toàn chi ra không à”.

Cùng nỗi niềm đó, nhắc đến ngày Chủ nhật của mình, chị Thương lắc đầu: “Thà đi làm để còn kiếm được đồng này đồng kia chứ ở nhà một ngày, bao nhiêu thứ phải lo, ruột gan cứ sôi hết cả lên. Bình thường đi làm có gì ăn nấy, ăn cho qua bữa, còn ở nhà thì phải lo từng bữa cơm cho chồng, cho con, rồi tiền này tiền kia. Đêm nằm mà cứ nhẩm đi nhẩm lại mình đã chi tiêu hết mấy chục ngàn trong ngày rồi, mà lo…”.

Chủ nhật của họ luôn là sự lựa chọn! Dù không được khỏe nhưng chị Thủy cũng chỉ cho phép bản thân được nghỉ một ngày Chủ nhật duy nhất trong tháng. Chị tâm sự: “Những ngày Chủ nhật còn lại nếu ở công ty có việc thì mình đăng ký làm thêm, còn không thì kiếm việc gì ở ngoài vài giờ đồng hồ, không là hụt đi mất một ngày. Nhiều khi mệt mỏi, muốn được ngủ nhiều hơn và cho mình thời gian nghỉ ngơi nhưng nghỉ thì lấy tiền đâu ra”.

Người ta thường nhắc đến Chủ nhật với khái niệm ngày nghỉ, ngày dành cho gia đình hay vui chơi cùng bạn bè. Với những người công nhân, Chủ nhật lại là nỗi lo thiếu trước hụt sau, xoay xở đủ đường để đủ sống. Họ đang cầm cự chờ đến tháng được tăng ca.

THANH TUYỀN

Sáng 28-9, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ cử tri công nhân tại KCX Linh Trung I và Linh Trung II, KCN Bình Chiểu. Doanh nghiệp nợ lương, nhà trẻ không đủ cho công nhân gửi con, giao thông ùn tắc khiến công nhân trễ giờ làm dẫn đến thu nhập giảm sút... là những vấn đề công nhân bức xúc nêu ra.

Nhiều công nhân lo lắng về tình trạng doanh nghiệp nợ lương, bỏ trốn khiến họ bị thiệt thòi quyền lợi do không chốt được sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), không giải quyết được chế độ bảo hiểm thất nghiệp...

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, kiến giải thời gian qua tình trạng doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH nổi lên phổ biến, ảnh hưởng các quyền lợi của người lao động. Sở LĐ-TB&XH và LĐLĐ TP đã phối hợp đẩy mạnh thanh tra phát hiện kịp thời những doanh nghiệp có dấu hiệu nợ lương, chậm đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ông Khiết nhìn nhận thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiêu khê. Cụ thể đối với doanh nghiệp nợ BHXH thì không chốt được sổ BHXH để người lao động hưởng chế độ thất nghiệp do không ai đứng ra ký quyết định nghỉ việc cho người lao động. Ông Khiết cho biết Sở LĐ-TB&XH sẽ có kiến nghị với UBND TP và Bộ LĐ-TB&XH để giảm bớt thủ tục cho người thất nghiệp.

Anh Nguyễn Hữu Cường, công nhân Công ty TNHH Theodore Alexander, lo lắng: “Nhu cầu gửi con của công nhân không ngừng tăng cao, trong khi các cơ quan chức năng vẫn dừng lại ở khâu khảo sát chứ chưa có khu nhà trẻ nào xuất hiện ở các KCX Linh Trung I và Linh Trung II, KCN Bình Chiểu. Công nhân đành tìm đến các nhóm trẻ gia đình, tiền gửi cao, nơi gửi xa để gửi con trong khi thu nhập thấp không kham nổi”. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá nhu cầu nhà trẻ rất cấp thiết đối với công nhân. Thành phố cần ưu tiên giải quyết nhanh đối với các KCX-KCN đã có quỹ đất. HĐND TP sẽ cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn vốn để xây trường, mở lớp tại nơi có nhiều công nhân lưu trú. Bà Tâm yêu cầu cần phải giải quyết nhanh thủ tục không để kéo dài và phải có cơ chế giám sát các thủ tục để thực hiện xây trường cho con em công nhân nhanh nhất.

P.ĐIỀN - L.THOA

Lương tối thiểu chỉ mới bảo đảm từ 67,6% đến 70,5% mức sống tối thiểu của người lao động. Tại TP.HCM, lương tối thiểu vùng là 2,7 triệu đồng/người/tháng trong khi mức sống tối thiểu là 3,996 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm