Củng cố niềm tin cho người tố tham nhũng

Cần phải có những động thái cần thiết để người dân tin tưởng, mạnh dạn tố cáo. Không thể để tình trạng người dân thờ ơ với tham nhũng vì tố cáo chẳng thay đổi được gì hoặc có khi lại gánh thêm hậu quả…

Nhiều bạn đọc có ý kiến như trên sau khi đọc bài “Cảnh sát dẫn đầu trên biểu đồ tham nhũng” (Pháp Luật TP.HCM, ngày 10-7).

Ông LÊ TRUYỀN, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN:

Không làm rõ, sao dân tin?

Tôi thấy có một số việc Chính phủ có thể làm được ngay để lấy lại lòng tin của nhân dân. Cụ thể người dân muốn biết kinh nghiệm làm giàu của các quan chức giàu nhanh là như thế nào để người dân học tập. Thế nhưng có được thấy đâu. Nếu được, đấy cũng chính là cách đấu tranh với những người làm giàu bất chính. Việc kê khai tài sản đã có quy định nhưng làm chưa chuẩn. Có làm được những việc cụ thể như thế thì người dân mới tin.

Hay như chuyện mua chức, mua quyền. Người ta đầu tư vào đấy nhiều tiền của thì người ta phải tìm cách thu lại. Chính vì vậy mà đẻ ra một hậu quả tham nhũng tiếp theo. Tất cả những việc đấy đã có quy định, dân biết hết nhưng không làm rõ vì sao lại có chuyện mua chức, mua quyền ấy thì làm sao dân tin!

Củng cố niềm tin cho người tố tham nhũng ảnh 1

Một phiên xử tham nhũng về đất đai tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

Cơ quan chống tham nhũng phải có thực quyền

Phải có quy định những cơ quan chống tham nhũng phải có thực quyền, điều tra phải độc lập, trực thuộc thẳng Quốc hội, không vướng đến hành pháp. Cơ quan thanh tra, phát hiện và xử lý phải độc lập. Nên chăng đó là Thanh tra Nhà nước thay vì Thanh tra Chính phủ. Trong đó chánh Thanh tra Nhà nước phải do Quốc hội bầu.

Kiểm toán cũng phải độc lập và tổng kiểm toán phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu, Quốc hội bầu. Các cơ quan này vừa độc lập vừa thực quyền, dám làm và có trách nhiệm chứ cứ vướng víu thì hô hào nhiều nhưng tình trạng tham nhũng không thay đổi là bao.

Ngoài ra, để người dân tin thì phải xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng. Xử các vụ án tham nhũng phải tăng hình phạt cao lên và hạn chế án treo. Đặc biệt là phải thu hồi tài sản tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà có được.

PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng:

Chính sách tốt, tham nhũng khó sống

Người dân ngày càng ít tố cáo tham nhũng vì họ thấy tố cáo cũng ít kết quả. Đây chính là vấn đề mà những người làm quản lý cần lưu ý. Nếu Nhà nước, không hành động mạnh mẽ để tạo nên công bằng thì khi ấy người dân sẽ không tin và cũng không muốn nói nữa.

Nhìn sâu rộng hơn, cách quản lý hiện nay của chúng ta đã tạo nên một xã hội “không bình thường”. Vì vậy người dân đang thay đổi cách ứng xử để thích nghi với cái không bình thường đó. Điều này đòi hỏi người quản lý phải thấy được để điều chỉnh. Cái gốc để chống tham nhũng là vấn đề quản lý để làm sao có những chính sách tốt, không tạo kẽ hở cho tham nhũng.

NGUYỄN VINH, Công ty TNHH Phan Nam (TP.HCM):

Người dân cũng phải tự điều chỉnh

Không hiểu có phải thành thói quen hay không nhưng tôi đã chứng kiến cảnh người dân đến làm việc ở địa phương đều thủ 100.000 -200.000 đồng có khi nhiều hơn để “bôi trơn” cho cán bộ. Tôi hỏi có cần làm thế không vì việc này đúng ra là cán bộ địa phương phải làm cho dân, tiền nong làm gì. Có người tặc lưỡi: làm vậy cho nhanh xong việc. Vậy là họ đưa tiền và cán bộ… nhận!

Tôi nghĩ, chuyện tham nhũng không xuất phát một phía từ cán bộ mà xuất phát từ cả người dân. Họ muốn việc mình được giải quyết nhanh hoặc có một số sai phạm nào đó muốn cán bộ bỏ qua… nên đưa phong bì. Trong bối cảnh luật còn nhập nhèm hay vì “tình thương mến thương” nên cả hai đã vui vẻ bắt tay nhau.

Tôi đặt trường hợp người dân cứ đường đường chính chính làm cho đúng luật, cán bộ nào sai phạm là cứ tố ngay thì đố cán bộ nào dám nhận tiền. Đừng a dua, dung túng, tiếp tay cho các biểu hiện xấu… Trong chuyện này có một phần lỗi của chúng ta. Chính chúng ta phải chuyển biến để tránh phần nào tệ nạn này.

THU HẰNG ghi

“Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”. Đọc thông tin này đã buồn lại càng thêm buồn. Có thực tế là làm việc trong những môi trường nhạy cảm, có nhiều sự va vấp với dân thì dễ phát sinh tiêu cực. Thế nhưng đừng vì thế mà bán rẻ lương tâm, chức trách, nghề nghiệp. Giàu có đó rồi cũng dễ lụi tàn!

LÊ TRẦN NAM (namlathu321@...)

Nhà nước cần có chính sách lương bổng sao cho bảo đảm được cuộc sống của công (????) viên chức thì sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng. Làm việc không đủ ăn, không đủ nuôi sống gia đình thì có nhiều người sẽ không giữ được mình, sẽ biến chất.

TRẤN THÀNH (Cà Mau)

Luật phải rõ ràng. Xử nghiêm với hành vi tham nhũng, đừng bao che thì người ta sẽ sợ thôi.

quehanhan (thulatinh0921@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm