Dân có căn cứ để ‘soi’ công an

Việc pháp điển hóa những quy định riêng của ngành công an thành thông tư để mọi người dân đều nắm bắt là một bước tiến quan trọng, hiện thực hóa nguyên tắc giám sát của nhân dân với lực lượng công an. Người dân sẽ có công cụ để đối chiếu, so sánh những hành vi không đúng của công an.

Công an không được để dân bức xúc

Trong quy tắc ứng xử chung, công an nhân dân (CAND) không được lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị hoặc chức trách để vụ lợi hoặc nhằm mục đích cá nhân; không được từ chối tiếp nhận, giải quyết hoặc cố tình kéo dài thời gian giải quyết các yêu cầu hợp pháp của tổ chức, công dân theo chức trách, nhiệm vụ.

Trong ứng xử với nhân dân, công an phải kính trọng, lễ phép; gắn bó mật thiết; tận tình, trách nhiệm, giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của nhân dân. Cán bộ công an làm việc với người dân bằng thái độ tận tình, hòa nhã, không được có hành vi, lời nói hạch sách, gây căng thẳng, bức xúc cho người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc.

Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, công an phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử.

Cấp trên không được bao che vi phạm của cấp dưới; phải bảo vệ danh dự của cấp dưới khi bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật. Chỉ huy trực tiếp quản lý sẽ bị xử lý trách nhiệm liên đới khi có cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

Bộ Công an nghiêm cấm nhiều hành vi khi lực lượng giao tiếp với nhân dân. Ảnh: T.PHAN

Để thông tư không là nói suông

Một lãnh đạo cấp cục của Bộ Công an đánh giá đây là một thông tư có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND. Thông tư đã được đưa ra thảo luận tại các hội thảo, góp ý trước toàn dân trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, có thông tư rồi thì phải thực hiện sao cho nghiêm túc, lực lượng CAND cần nghiêm chỉnh chấp hành những quy tắc ứng xử mà thông tư đã nêu. Đồng thời, cần có một cơ chế rõ ràng để thực hiện, giám sát, đánh giá… “Đây là cả một kế hoạch lớn” - vị này nói.

Trước câu hỏi làm thế nào để giám sát việc cán bộ công an có chấp hành thông tư hay không, vị này cho hay trước hết phải từ nội bộ. Theo đó, chính cán bộ công an phải nhận thức được sự quan trọng của các quy tắc ứng xử. Cơ quan, đơn vị phải có các công cụ mạnh để kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm, vai trò của người đứng đầu đơn vị là rất quan trọng.

Ngoài ra, phải tổ chức, triển khai các đợt tuyên truyền, sinh hoạt chính trị nội bộ thường xuyên, định kỳ, có tổng kết để kịp thời điều chỉnh. Các văn bản khác liên quan đến ngành công an cũng phải điều chỉnh cho phù hợp, thể hiện rõ những vấn đề mà thông tư đề cập.

Quan trọng nhất là sự giám sát của người dân. Có nhiều cách để người dân giám sát lực lượng công an. Đơn cử như lập đường dây nóng tại trụ sở cơ quan công an để người dân khi phát hiện công an không chấp hành quy tắc ứng xử, họ có thể gọi báo ngay. Tuy nhiên, đường dây nóng phải thực sự “nóng”, không để hiện tượng dân gọi đến nhưng không có người nghe.

Bộ Công an đã gợi mở nhiều hình thức để công an tiếp nhận ý kiến của nhân dân như tổ chức hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” mỗi năm một lần có sự tham gia của trưởng công an quận, huyện, thị xã…, đại diện chính quyền, nhân dân các tổ dân phố; gửi văn bản đề nghị cơ quan, sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đóng góp ý kiến mỗi năm một lần vào quý IV; tiếp công dân, trực tiếp đối thoại, hòm thư góp ý…, thường xuyên phát phiếu khảo sát lấy ý kiến đánh giá của nhân dân về mức độ hài lòng. Nội dung góp ý được xem là kênh thông tin để đánh giá mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của lực lượng công an.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…