Dân có nhu cầu và nhà nước đều thiệt

Chỉ có mỗi Điều 66 Nghị định 84 (25-5-2007) của Chính phủ mà người hiểu thế này, người hiểu thế khác. Ngay trong Vụ Đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông vụ phó nói đằng đông, ông vụ trưởng nói đằng tây... Tôi thật sự không lý giải được vì sao như thế. Nếu không cố gắng hiểu cho thống nhất, các cơ quan chức năng khó tham mưu cho Chính phủ hướng tháo gỡ cần thiết.

Tạm theo số đông thì chỉ còn ít ngày nữa “giấy trắng” sẽ hết hiệu lực giao dịch. Hơn 80.000 chủ nhà có “giấy trắng” ở TP.HCM đang đứng ngồi không yên vì hạn chế này. Là một trong những người có “giấy trắng”, tôi cũng đang ngồi trên đống lửa khi đến giờ, sau ba tháng nộp hồ sơ tôi cũng chưa được UBND quận 8 cấp “giấy hồng”.

Điểm mấu chốt cần phân tích ở đây là chính quyền đã cấp “giấy trắng” cho dân chứ dân không thể tự làm ra giấy này. Vì sao “đẻ” con ra lại không nuôi, không thừa nhận? Đồng ý là xã hội cần đạt được sự thống nhất giữa các loại giấy tờ nhà đất, không thể duy trì tình trạng “rừng” giấy như hiện nay khiến người dân lẫn chính quyền đều rối rắm. Đồng ý là người dân đã được pháp luật gia hạn để có thời gian đi đổi giấy. Nhưng khi chúng tôi đi đổi giấy, UBND quận có giải quyết kịp thời đâu! Ai có lỗi trong việc này? Chắc rằng nhiều người sẽ có ngay câu trả lời.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người dân vẫn tiếp tục ôm “giấy trắng” sau ngày 1-1-2008? Thứ nhất, có nhiều giao dịch ngầm. Thứ hai, có nhiều tranh chấp phát sinh. Thứ ba, nhà nước thất thu thuế... Xem ra giải pháp gia hạn lần nữa như kiến nghị của nhiều người dẫu chẳng hay ho gì nhưng cần làm để người dân có nhu cầu và nhà nước không bị thiệt.

Minh Đoàn (Phường 1, quận 8)

Tới đây, nếu Chính phủ tiếp tục gia hạn hiệu lực của “giấy trắng”, tức gia hạn thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận, có ba lần gia hạn. Lần thứ nhất là ngày 1-1-2007, lần thứ hai là ngày 1-1-2008, lần thứ ba thì chưa được xác định rõ. Đúng là phải gia hạn để người dân được thuận tiện giao dịch nhưng ai có thể khẳng định lần thứ ba sẽ là lần cuối cùng.

“Bệnh” trễ hạn, nhất là đối với các hồ sơ nhà, đất đã được phát hiện từ rất lâu. Nhiều biện pháp đã được đưa ra để khắc phục (như bổ sung nhân sự, đơn giản hóa các thủ tục v.v...) nhưng dường như “bệnh” đang bị lờn thuốc. Qua bạn bè, người quen, tôi được biết ở một số quận, do cán bộ không làm tốt khâu kiểm tra nên người dân buộc phải bổ sung giấy tờ rất nhiều lần. Hồ sơ cũ trễ kéo theo hồ sơ mới cũng trễ theo. Ngoài việc lùi thời hạn như đã nêu ở trên, chẳng lẽ Chính phủ không có giải pháp nào khác tốt hơn để người dân sớm được cấp giấy chứng nhận và chính quyền đỡ bị mất uy tín?

Đứng ở góc độ người dân, tôi cho rằng vấn đề là ở chỗ chính quyền có muốn làm hay không chứ không phải là không làm được.

Thanh Phong (Quận 7)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm