Dân khốn khổ vì đường đi bị bít kín

Clip do Nguyễn Tân thực hiện

Cầu Xi Măng xây dựng từ năm 1988, thuộc sự quản lý của UBDN huyện Hóc Môn. Cây cầu nhỏ chiều dài khoảng 100 mét, rộng khoảng 4 mét đóng vị trí quan trọng trong đi lại của người dân sống dọc đường Tân Thạnh 12, thuộc hai xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Nhì (huyện Hóc Môn).

Cầu Xi Măng hay cầu Nhị Xuân đã bị hư hỏng nặng sau khi vụ xà lan tông phải.

Theo ông Huỳnh Văn Nặng ( ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn), cây cầu xi măng đã xuống cấp khoảng chừng 10 năm nay, nhưng vẫn là tuyến đường đi lại của hàng ngàn người dân. "Khoảng ba năm trước, chứng kiến sự xuống cấp của cây cầu, TT. cai nghiện Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) có hỗ trợ tiền gia cố, phục vụ cho việc đi lại của nhân dân đến khi cầu bị tông hỏng" - ông Nặngthông tin.

Cầu Nhị Xuân nằm cách Cầu Lớn khoảng 7 km, là đường đi lại chính của người dân khi muốn vượt kênh An Hạ, qua đường Đặng Công Bỉnh để lên đường Nguyễn Văn Bứa.

Bà Nguyễn Thị Lệ (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn) kể: "Cầu bị bít, chúng tôi chỉ có một con đường là đi dọc đường Xuân Thới Sơn 12, vượt qua Cầu Lớn. Sắp tới mùa tựu trường, các cháu học sinh đi học rất nhiều, trong khi xe đạp, đi bộ vượt qua Cầu Lớn rất khó khăn, nguy hiểm".

Theo quan sát của phóng viên, tại điểm giao giữa đường Xuân Thới Sơn 12 với đường Nguyễn Văn Bứa không có đèn báo tín hiệu giao thông, giao điểm có độ dốc lớn, khó quan sát. Trong khi đó, lưu lượng xe dày, đặc biệt là xe trọng tải lớn thường xuyên qua lại với tốc độ cao.

"Tại một số giai đoạn cao điểm, việc di chuyển từ đường Xuân Thới Sơn 12 qua Cầu Lớn gần như không thể, chúng tôi phải đợi đến cả giờ đồng hồ dưới mưa nắng để qua đường. Tháng trước, tại điểm này đã xảy ra một vụ tai nạn làm một người chết" - Anh Huỳnh Văn Hòa (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn) cho hay.

Để thuận tiện cho việc đi lại, người dân tự leo trèo để qua cầu.

Để qua đường, nhiều người dân liều lĩnh leo hoặc chui qua rào ngăn cách. Tuy nhiên, trèo rào rất nguy hiểm bởi thành cầu cao, phía dưới nước chảy xiết. Ông Huỳnh Văn Nặng nói: "Biết là không nên nhưng chúng tôi đi xe đạp, xe máy băng qua đường Nguyễn Văn Bứa, nhiều khi còn nguy hiểm hơn. Để thuận tiện, nhiều người đã chọn phương án này".

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Hiển, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Sơn cho biết, việc xà lan tông hỏng cầu sáng ngày 22-7, UBND xã cùng Công an đã tiến hành lập hàng rào ngăn cầu để đảm bảo an toàn, đồng thời lập báo cáo với Phòng quản lý đô thị và UBND huyện.

"Hiện xã cũng đang chờ kết quả xử lý của Cảnh sát đường thủy và Đội điều tra tổng hợp - Công an huyện Hóc Môn, sau đó tùy mức độ thiệt hại cỡ nào rồi mới có hướng giải quyết" - ông Hiển thông tin thêm.

Còn đại diện Đội tổng hợp, Công an huyện Hóc Môn cho biết, Cơ quan điều tra Công an huyện Hóc Môn đang thu thập tài liệu chứng cứ để điều tra xử lý làm rõ các thiệt hại và nguyên nhân xảy ra tai nạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm