Đáp án kỳ 5: Không chia tiền bán đất

Đa số các đáp án gửi về đều rất quyết đoán trong việc đưa ra nhận định của mình nhưng đến phần viện dẫn căn cứ pháp luật thì lại… “vòng vo Tam Quốc”.

 

TS. Nguyễn Văn Tiến- Trưởng Bộ môn Luật tố tụng dân sự - Hôn nhân và gia đình, ĐH Luật TP.HCM trả lời đáp án À Ra Thế kỳ 5.

Hầu hết đáp án gửi về À Ra Thế đều xác định chính xác 500 triệu đồng mà anh A có được là tài sản riêng vì số tiền này anh A được hưởng thừa kế riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (LHNGĐ 2014). Tuy nhiên, đến khi anh A đem số tiền trên mua đất rồi bán miếng đất với giá 2 tỉ đồng, thu về một khoản chênh lệch 1,5 tỉ đồng thì phát sinh hai luồng quan điểm trái chiều. Một bên cho rằng đó là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng nên đó là tài sản chung theo quy định tại khoản 1 Điều 33 LHNGĐ 2014. Một bên khẳng định số tiền chênh lệch do bán đất không phải là hoa lợi, lợi tức, mà đó là “tài sản được hình thành từ tài sản riêng” nên nó vẫn là tài sản riêng của anh A theo quy định tại khoản 2 Điều 43 LHNGĐ 2014.

Ban tổ chức đang phân loại thư dự thi.

Như vậy, mấu chốt thật sự của tình huống À Ra Thế kỳ 5 chính là việc xác định số tiền chênh lệch 1,5 tỉ đồng này có phải là hoa lợi, lợi tức hay không? Hay đó là tài sản được hình thành từ tài sản riêng? Để từ đó có thể xác định được câu trả lời đúng cho tình huống của À Ra Thế kỳ 5.

Về việc này, TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân-Gia đình, ĐH Luật TP.HCM, mách nước: Để có thể xác định, quý bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM cần xem lại quy định pháp luật về hoa lợi, lợi tức tại Điều 175 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005, sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay): “Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại” và “Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”. Theo đó, hoa lợi hay lợi tức đều là những tài sản được sinh ra từ tài sản gốc. Trong đó những sản vật được sinh ra một cách tự nhiên, theo quy luật tự nhiên từ tài sản gốc được gọi là hoa lợi. Sau khi tách khỏi tài sản gốc, hoa lợi trở thành tài sản độc lập và thuộc quyền sở hữu của chủ tài sản gốc (trừ khi có thỏa thuận khác). Ví dụ: trứng do gà, vịt đẻ ra; thóc, trái cây, do trồng trọt mang lại,… Những khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản được gọi là lợi tức. Đó là một khái niệm dùng để chỉ chung về những khoản lợi nhuận thu được khi khai thác tài sản gốc. Ví dụ: tiền thu được do cho thuê xe, nhà,...

Từ phân tích này, chúng ta có thể xác định được hai vấn đề: Một là, số tiền chênh lệch 1,5 tỉ đồng từ việc anh A bán miếng đất không phải là “sản vật được sinh ra một cách tự nhiên” hay “thu được từ việc khai thác tài sản” nên đó không phải là hoa lợi hay lợi tức như phân nửa đáp án gửi về cho À Ra Thế. Hai là, số tiền 1,5 tỉ đồng là “tài sản được hình thành từ tài sản riêng” của anh A.

Như vậy, đáp án của À Ra Thế kỳ 5 là: Tòa án sẽ bác yêu cầu của chị B.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Với tinh thần “không được giải cũng được luật”, những bạn đọc có đáp án khác với đáp án trên hãy tiếp tục “… bày keo khác” nhé.

• Mời quý bạn đọc xem clip đáp án À Ra Thế kỳ 5 do TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân-Gia đình, ĐH Luật TP.HCM, công bố trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM tại địa chỉ http://plo.vn/a-ra-the.html.

• À Ra Thế sẽ công bố số người có đáp án trùng với đáp án của À Ra Thế và vinh danh năm người xuất sắc nhất của kỳ 5 vào thứ Tư, ngày 31-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm