Đất của mình bị người khác mở đường đi

“Một số người tự ý mở đường đi qua đất nhà tôi. Tôi phản ánh lên địa phương thì nơi đây bảo không hề gì, cứ để người ta đi. Tôi thấy thật kỳ cục, đất tôi bị người khác xâm phạm vậy mà địa phương lại không xử lý…” - ông Phan Du Lam (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) phản ánh.

Ông Lam cho biết lâu nay một số người tự tiện đi qua đất nhà ông để lên rẫy. Vì chưa phải dùng đất vào việc gì nên ông cho phép mọi người đi qua. Tuy nhiên, gần đây do cần chỉnh trang lại khuôn viên, ông quyết định rào lại đất. Hôm trước ông rào thì hôm sau một số người dùng kìm cắt lưới rào sắt rồi đổ đá làm đường đi. Người thân của ông ra ngăn cản thì bị những người này hăm dọa.

Người dân tự đổ đá làm đường trên mảnh đất nhà ông Lam khiến ông bức xúc. Ảnh: VN

Sợ mâu thuẫn phát sinh sẽ gây ra phiền phức cho gia đình, ông Lam liền gửi đơn lên chính quyền địa phương để can thiệp, giải quyết. Tuy nhiên, khi nhận được công văn trả lời của xã (do một phó chủ tịch ký), ông Lam hết sức bức xúc. Công văn cho rằng: “Việc tháo rào sắt lối đi, đổ đá làm đường không hủy hoại tài sản cũng như không xâm hại đến đất đai của gia đình ông Lam vì đây là con đường có sẵn từ trước, không còn lối nào khác nên mọi người mới mở lên rẫy, đồng thời đổ đá nâng cấp đường đi là chính đáng”.

Một lần nữa, ông Lam lại phải kêu cứu lên xã. Ông khẳng định: “Thứ nhất, đây là đất của gia đình, đã được cấp giấy chứng nhận. Trong giấy chứng nhận cũng không thể hiện đây là lối đi chung đã có từ trước. Thứ hai, việc người dân tự ý làm đường đã xâm phạm đến tài sản của gia đình tôi, địa phương phải bảo vệ cho người có tài sản hợp pháp. Nếu địa phương vẫn cho người khác làm đường trên đất của tôi là tiếp tay cho vi phạm. Những hành vi trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống của gia đình tôi...”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Phúc - Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết đúng là có việc một số người đã tháo rào, đổ đá làm đường trên đất ông Lam. Sau khi nhận được đơn phản ánh, UBND xã Suối Cát cũng đã tổ chức họp mặt các bên để hòa giải. Nhiều hộ dân cho rằng con đường hiện hữu từ lâu nên đề nghị gia đình ông Lam mở đường để bà con đi lại… Tuy nhiên, cuộc hòa giải bất thành.

Ông Phúc khẳng định: “Trên giấy tờ nhà, đất của ông Lam thì không thể hiện có con đường mòn cắt ngang qua thửa đất. Do đó, việc gia đình ông này rào chắn là có cơ sở. Một số người dân tự mở đường, đổ đá mà không xin phép hay báo cáo chính quyền địa phương là chưa được. Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, những ngày tới xã sẽ tổ chức họp dân cùng gia đình ông Lam để thống nhất hướng xử lý. Tuy nhiên, cách tốt nhất là giải quyết bằng cách hòa giải…”.

VĂN NGỌC

Nếu bị vây bọc, được yêu cầu chủ đất liền kề mở lối đi

Theo quy định, tài sản hợp pháp của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Phần đất trên của ông Lam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì không ai được xâm phạm. Nếu người khác muốn đi qua đất của ông Lam thì phải được sự đồng ý của ông.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật dân sự, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng. Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề nếu không có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu những người khác cho rằng họ chỉ có lối đi duy nhất là qua đất ông Lam thì họ có quyền yêu cầu ông Lam mở lối đi cho họ và họ phải trả những chi phí theo quy định. Đầu tiên, địa phương đứng ra hòa giải để hai bên tìm được tiếng nói chung là phù hợp. Nếu không thống nhất được, phía người muốn mở đường có thể kiện ra tòa để nhờ phân xử.

Luật sư ĐINH VĂN LƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

N.ĐỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm