Đẹp không hẳn là phải đồng bộ

Bài “Ba tuyến đường lớn tại TP.HCM: Sẽ phải xây nhà đồng bộ theo mẫu?” (Pháp Luật TP.HCMngày 15-10) thông tin dự thảo của UBND TP yêu cầu“nhà liên kế trong khu hiện hữu dọc theo các tuyến đường mới mở phải đồng bộ về mẫu nhà, ít nhất là về kiến trúc mặt đứng…”. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất có cách nhìn khác về nội dung này.

Một đô thị mặc nhiên là tổ hợp của nhiều đường phố. Trong đó có thể có nhiều đường phố đẹp. Mỗi con phố đẹp không phải có ngay một lần như một công trình kiến trúc. Nó hình thành bằng cả quá trình của nhiều năm, hàng chục năm, có khi hàng trăm năm.

Một con phố đẹp thường chỉ vì một vài góc nhìn tổng thể hoặc chi tiết thú vị. Không ít trường hợp một công trình kiến trúc độc đáo chợt một ngày mọc lên rồi từ đó đóng thêm một dấu ấn mới cho con phố cũ. Lại nhiều khi kiến trúc chẳng có vai trò quan trọng gì mấy mà chỉ vì không khí, không gian sinh hoạt hoặc buôn bán có nhiều bản sắc độc đáo mới là nét vẽ chính cho nét đẹp của phố.
Cho nên khi luận bàn về thiết kế đô thị cho các trục đường mới của TP.HCM, thiết nghĩ không nên vội vàng, phiến diện dù cho việc bắt đầu có cấp bách đến mấy. Bởi nhìn nhận đúng và đủ sẽ làm công việc thực hiện vừa nhẹ nhàng hơn, vừa tránh được nhiều rủi ro hơn.

Đẹp không hẳn là phải đồng bộ ảnh 1

Theo giới kiến trúc sư TP.HCM, kiến trúc nhà ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chưa đẹp như mong muốn. Ảnh: THÁI HIẾU

Yêu cầu cấp bách của chính quyền TP về việc hoàn thành thiết kế đô thị ba trục đường là một thúc bách thực tế. Nhưng tính khả thi và hiệu quả tích cực của việc quản lý xây dựng dựa vào thiết kế đô thị mới là thúc bách thực chất hơn. Tôi thực sự không yên tâm với một số điểm trong dự thảo quản lý thiết kế đô thị ba trục đường. Bởi những yêu cầu quản lý quá cụ thể của cấp trên dễ trở thành áp lực dẫn tới hiệu quả thấp.

Không nên "quản" bằng thiết kế mẫu

Thiết kế đô thị là một công đoạn chuyên môn quan trọng trong toàn bộ công việc quy hoạch đô thị. Nó khối hóa các sơ đồ không gian, sơ đồ hệ thống. Nó định tính, định dạng các khoảng trống đô thị sau khi lấp đầy các diện tích công năng (đường sá, sân bãi) và giới hạn khối tích xây dựng (khối phố, khối công trình đơn lẻ). Như vậy, thiết kế đô thị là “cấp trên” của công trình kiến trúc. Một “cấp trên” khôn ngoan sẽ không dùng “thiết kế mẫu” để quản lý chất lượng sáng tạo trong công trình kiến trúc. Việc đề nghị tầng cao cố định cho nhà phố lẻ ven đường, thậm chí có cả thiết kế mẫu chỉ nhằm quản lý hình ảnh trước mắt. Chẳng những về lâu dài không đủ mở để thích ứng với tốc độ phát triển tự nhiên của đô thị mà tính khả thi của nó cũng rất thấp khi điều kiện sống rất khác nhau của hàng ngàn gia đình được yêu cầu xây nhà theo một số mẫu định sẵn. Thêm nữa, tính đồng bộ ở đây không hợp quy luật đa dạng cuộc sống mà chỉ thể hiện trật tự kỷ trị, đơn giản hóa việc quản lý. Và ai có thể nói được vài thập niên tới, những mẫu mã đồng bộ hôm nay vẫn là cái đẹp phù hợp mẫu mực?

Hãy để đường phố tự đẹp lên

Đương nhiên không phải trong tình trạng “vô chính phủ” mà trong sự thúc đẩy thông minh của thiết kế đô thị. Mẫu mực thì chỉ xác định được một. Phương thức mới hứa hẹn cho nhiều đáp số cùng thỏa. Mỗi đường phố có vai trò đô thị của nó. Vai trò khác nhau sẽ được cân nhắc trong các thông số thiết kế đô thị khác nhau. Mỗi công việc này là một dự án với đầy đủ yêu cầu về nghiên cứu và sáng tạo cần thiết. Có vài ví dụ sau đây mà chúng ta có thể chia sẻ về bản chất của vấn đề.

- Hệ số sử dụng đất, tầng cao và hệ số xây dựng là khoảng giữa tối thiểu và tối đa thỏa nguyên tắc hai thông số nào đạt tối đa trước sẽ ứng với số tối thiểu cho thông số còn lại. Điều này cho rất nhiều giải pháp nghiêng về công năng hay mỹ quan phù hợp mục tiêu khai thác của chủ đầu tư hoặc chính quyền. Từ đó, chúng ta sẽ tránh được tình trạng chủ đầu tư nào cũng có khuynh hướng tận dụng tối đa hệ số cho phép, dẫn đến sự đơn điệu, thực dụng cho các công trình, không còn chỗ cho sáng tạo.

- Hệ số sử dụng đất thay đổi theo mục đích khu vực, đoạn phố sẽ thu hút đầu tư phát triển theo xu hướng có lợi và định dạng không gian đô thị linh hoạt hơn.

- Không nên quy định tầng cao cố định trên mặt phố mà vẫn chỉ thỏa các hệ số chung. Để tránh nhà siêu mỏng, chỉ cần quy định tỉ lệ chiều cao với chiều ngang nhà (và trong phạm vi giới hạn tối đa của khu vực). Tuy nhiên, chiều cao chênh lệch không được phân tầng có cao độ thông thủy nhỏ hơn 2,4 m chẳng hạn. Điều này khuyến khích việc tích lũy đất mặt tiền rộng để tăng chiều cao sử dụng, phù hợp với chủ trương và xu thế phát triển đô thị hiện đại.

- Đường đỏ xây dựng cũng không nên cố định. Ngoài khoảng lùi có thể xác định ở những khu vực công cộng nên để người dân quyết định chọn độ lùi tương ứng với độ dài liên tục của một khối nhà hoặc độ cao nhà.

- Khuyến khích sự nghiên cứu xây dựng đồng bộ các block nhà lớn nhưng không vì vậy mà ngăn cấm thiết kế và xây nhà đơn lẻ có nghiên cứu kiến trúc phù hợp và đẹp.

KTS NGUYỄN VĂN TẤT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm