Dẹp xe biển số xanh, nên chăng?

Ngày 22-12, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức hội nghị ATGT năm 2016.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai, cho rằng cần quy định thống nhất một loại biển kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc. “Pháp luật phải bình đẳng, mọi người đều có quyền như nhau, không thể để biển xanh ưu tiên hơn biển trắng…” - ông Sơn khẳng định. Đồng tình, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), nói hiện xe biển xanh vẫn có lợi thế nên việc thống nhất một loại BKS là cần thiết.

Chuyện có nên thống nhất cả nước cùng loại biển số xe hay không nhận được nhiều ý kiến quan tâm của người dân.

Không cần hợp nhất

Theo tôi, việc hợp nhất hai loại BKS xe là không cần thiết. Điều cần là ở tinh thần và tư tưởng của người điều khiển giao thông, nhất là ở những người liên quan đến phương tiện giao thông mang biển xanh và việc xử lý vi phạm. Luật Giao thông đường bộ 2008 không hề có sự phân biệt biển xanh, biển trắng mà chỉ quy định một số trường hợp các xe công vụ được quyền ưu tiên: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương...

Như vậy không phải mọi loại xe biển xanh đều được ưu tiên. Vấn đề ở đây là não trạng của người điều khiển xe biển xanh cứ mặc nhiên ấn định mình được ưu tiên, còn người xử lý vi phạm giao thông “đụng” đến xe biển xanh thì có phần xuê xoa hay chùn tay. Ở đây chỉ là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm chứ luật lệ đã đầy đủ và hoàn chỉnh rồi.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Công ty Đông Phương Luật (TP.HCM)

Xe biển số xanh chạy ngược chiều va chạm với xe ôtô khác bị người dân quận 3, TP.HCM chặn lại vào ngày 15-9. Ảnh cắt từ clip.

Thu hẹp việc cấp biển số xanh

Việc quy định biển xe xanh, trắng có tác dụng cho tổ chức, nhân dân dễ dàng quản lý, giám sát việc sử dụng xe công trong tình trạng hiện còn có nhiều cán bộ lạm dụng xe công cho việc tư.

Tôi được biết không có điều luật nào quy định cứ xe biển xanh là được ưu tiên, trừ một số loại xe công vụ đặc thù, xe đó cũng phải đang thực hiện nhiệm vụ và chỉ được ưu tiên trong một số trường hợp luật định. Việc cần nhất trước mắt vẫn là thu hẹp việc được cấp biển xanh và không cấp tràn lan như hiện nay, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm không phân biệt xe biển xanh, biển trắng.

TẤN KHOA (Quận 7, TP.HCM)

Ý kiến tuyệt vời!

Đây là ý kiến rất hay, tôi ủng hộ cả nước cùng một loại biển số. Đi đường thấy nhiều xe biển xanh chạy nghênh ngang, cứ cảm thấy có một dạng đặc quyền nào đó đang tồn tại trong xã hội. Thống nhất biển số xe để không còn sự ngạo mạn ta đây ở một bộ phận người sử dụng, không còn những du di bất hợp lý của CSGT khi thấy xe biển xanh. Mặt khác, sẽ không còn tình trạng gắn biển số xanh giả để lòe thiên hạ, hoặc thực chất là xe tư nhân nhưng ráng bằng cách nào đó để có được xe biển số xanh như trường hợp Trịnh Xuân Thanh.

HOÀNG HOÀI MINH (Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Giữ xe biển xanh để dân dễ giám sát

Theo tôi là cứ giữ như hiện nay, không cần thống nhất một loại biển số, bởi cần giữ hình ảnh của người làm trong cơ quan nhà nước, làm công việc phục vụ dân. Điều gây bức xúc là hành xử của người sử dụng xe biển xanh, sự e ngại quyền lực của CSGT và cơ quan chức năng. Duy trì xe biển số xanh thì người dân sẽ giám sát được. Nếu chung một loại biển số, có khi lợi bất cập hại, sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng xe công cho việc riêng mà không phân biệt được, hoặc có sự nhập nhằng, giấu giếm khi xử lý các sự cố liên quan xe công.

VŨ ĐÌNH MINH (Quận Tân Phú, TP.HCM)

Nghiêm minh trước đã

Tình trạng lạm dụng “quyền uy” của xe biển số xanh đang gây ra hàng loạt hệ quả xấu (tài xế xe biển số xanh đã chạy bạt mạng tông chết người; chạy lấn tuyến, ngược chiều gây đảo lộn trật tự giao thông). Điều đó không chỉ gây ra hậu quả trực tiếp cho xã hội mà còn làm hình ảnh uy nghiêm của công quyền bị xấu đi. Cần thiết phải rà soát phạm vi và đối tượng để cấp biển số xanh, giới hạn việc cấp biển số xanh đối với xe của các ngành thật sự cần phải được ưu tiên, chứ không phải cứ hoạt động trong các cơ quan nhà nước thì có biển số xanh. Mặt khác, phải siết lại việc sử dụng xe biển số xanh, xử phạt thật nặng đối tượng dùng xe công sai mục đích hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình lưu thông.

TRẦN THU THỦY (Quận 9, TP.HCM)

Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an:

Cần nghiên cứu thận trọng

Vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Yếu tố đảm bảo công bằng trước pháp luật là cần thiết nhưng yếu tố về mặt công vụ cũng phải tính đến. Trong nhiều trường hợp, yếu tố công vụ là rất cần thiết để lực lượng CSGT dễ dàng phân biệt được khi xe công vụ làm nhiệm vụ khẩn cấp. Ngoài công vụ, nhiều vấn đề khác cũng cần phải xem xét. Trong đó, vấn đề quản lý tài sản công là một điển hình. Trường hợp dùng xe công để đi lễ hội, nếu sử dụng biển trắng thì rất khó phát hiện, ngược lại nếu sử dụng biển xanh như hiện nay sẽ biết được ngay. Được mặt này nhưng cũng phải tính toán mặt kia, công bằng nhưng không thể cào bằng. Mỗi đề xuất đều có tính hợp lý nhưng phải nghiên cứu rất nhiều góc độ. Nếu thay đổi cả hệ thống như đề xuất, cần tính toán về mặt pháp luật, kinh phí…

Đề xuất trên xuất phát một phần từ việc sử dụng xe công hiện nay còn nhiều bất cập. Để hạn chế tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều khâu. Thứ nhất, đối tượng được cấp, sử dụng xe phải đúng bởi thời gian qua một số trường hợp cấp sai đã được phát hiện. Thứ hai, phải có hệ thống kiểm soát, theo dõi chặt chẽ: cấp xăng xe cho đối tượng sử dụng như thế nào, lệnh cấp xe ra sao, trách nhiệm trong quản lý tài sản...

TUYẾN PHAN ghi

Nước ngoài cũng phân định xe công-tư

Kể từ tháng 1-2013, Phòng Giao thông đường bộ của Philippines đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch tiêu chuẩn hóa lại biển số xe tại nước này. Theo đó, phân định như sau:

• Xe ô tô tư nhân: Các số và ký tự trên biển số được viết bằng màu đen trên nền trắng.

• Xe công cộng (xe buýt, taxi, xe đưa đón học sinh…): Ký tự và chữ số màu đen trên nền vàng, với tuyến đường được cấp phép hoạt động được ghi chú trên mép dưới cùng của biển số xe.

• Xe của chính phủ (xe cảnh sát, xe của các cơ quan văn phòng thuộc chính phủ): Ký tự và chữ số được viết bằng màu đỏ trên nền trắng, tên của cơ quan hoặc văn phòng được ghi chú trên biển số xe.

• Xe ngoại giao: Với ký tự và chữ số viết bằng màu xanh trên nền trắng.

Dẹp xe biển số xanh, nên chăng? ảnh 2
Philippines dùng màu để phân định xe tư nhân (chữ đen-nền trắng) và xe công cộng (chữ đen-nền vàng). Ảnh: CNN/Rappler

• Các loại xe có quyền miễn trừ đặc biệt: Ký tự và chữ màu đen trên nền xanh biển nhạt.

Đến tháng 5-2014, các biển số xe đầu tiên theo tiêu chuẩn mới của Philippines đã được cấp. Từ tháng 1-2015, người sử dụng phương tiện giao thông đều đã được yêu cầu đổi từ biển số xe cũ sang thiết kế mới.

Nhật Bản cũng sử dụng các màu khác nhau để phân định các loại xe nhưng không phải giữa xe công và xe tư mà là giữa các thiết kế xe. Ví dụ như các phương tiện cá nhân hơn 660 phân khối sẽ có biển số nền trắng, chữ xanh lá. Còn ngược lại, các phương tiện giao thông thương mại hơn 660 phân khối sẽ có biển số nền xanh lá, chữ trắng.

Tương tự với các phương tiện cá nhân và thương mại dưới 660 phân khối, nền và chữ số sẽ được hoán đổi giữa hai màu vàng-đen. Các loại xe trực thuộc các cơ quan, văn phòng chính phủ, xe ngoại giao hoặc xe quân đội sẽ được thêm các ký tự để phân biệt với phương tiện giao thông của người dân.

KIỆT ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm