Di chúc viết tay vẫn hợp pháp

Ông N. (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có ba vợ. Ông với người vợ đầu chung sống từ năm 1954, không có con chung nhưng có hai con nuôi. Do cuộc hôn nhân đầu không hạnh phúc nên ông N. sống chung với “vợ” thứ hai nhưng không đăng ký kết hôn. Họ có với nhau một con trai, đặt tên là H. Năm 1985, ông N. ra tòa ly hôn với vợ đầu rồi rời Huế vào Vũng Tàu sinh sống. Tại đây, ông lại chung sống như vợ chồng với bà L. từ tháng 8-1989 và ba năm sau đó thì hai người mới chính thức đăng ký kết hôn.

Năm 2004, ông N. qua đời. Trong khối di sản ông để lại có căn nhà tại phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu. Đây là nhà đất do UBND đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo cấp cho ông N. vào năm 1990 dưới dạng nhà tình nghĩa. Trước khi mất, ông đã lập di chúc cho anh H. được hưởng căn nhà này nhưng phải chia lại cho bà L. 200 triệu đồng.

Tranh chấp thừa kế

Di chúc lập vậy nhưng vào năm 2007, con nuôi người vợ đầu đã kiện bà L. ra TAND TP Vũng Tàu để đòi chia căn nhà tình nghĩa nêu trên. Cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều cho rằng di chúc không hợp lệ và muốn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

Nguyên đơn cho rằng di chúc này chỉ mới là bản dự thảo, không hợp lệ vì không có ngày tháng và chữ ký. Bà L. thì bảo chồng mình viết di chúc do bị “vợ” hai (mẹ anh H.) ép buộc. Ông viết di chúc trong tình trạng không minh mẫn, bị hạn chế về thể chất. Ngoài ra, bà L. cũng yêu cầu tòa án giải quyết cho bà số tiền gần 280 triệu đồng, bao gồm chi phí nuôi con (đã mất năm bốn tuổi), chi phí nuôi chồng, sửa nhà, làm đám ma, xây mộ cho chồng...

Xét xử vụ án năm 2007, cả cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều tuyên án theo hướng công nhận tính hợp pháp của di chúc. Anh H. được hưởng căn nhà tình nghĩa nhưng phải đưa lại cho bà L. 200 triệu đồng, còn bà L. chỉ được lưu cư tại căn nhà trong thời hạn sáu tháng tính từ ngày nhận đủ 200 triệu đồng. Theo quan điểm của TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bản di chúc tuy không được công chứng, chứng thực nhưng cả nguyên và bị đơn đều thừa nhận do ông N. viết, có ghi rõ ngày tháng và ký tên. Sau đó, ông N. còn gửi bản di chúc cho luật sư. Ba tháng sau, ông còn làm đơn xin ly hôn với bà L. Các chi tiết này cho thấy ông rất minh mẫn và sáng suốt khi lập di chúc. Bà L. bảo ông N. bị ép lập di chúc nhưng không có chứng cứ chứng minh nên di chúc này hợp pháp.

Cũng theo cấp phúc thẩm, vợ có nghĩa vụ chăm sóc chồng, mẹ có nghĩa vụ chăm sóc con nên bà L. không thể đòi khấu trừ chi phí đó vào di sản thừa kế. Cả hai cấp xét xử chỉ chấp nhận cho bà nhận số tiền hơn 19 triệu đồng gồm chi phí mai táng và sửa chữa nhà. Người con nuôi (nguyên đơn) không được hưởng gì hết.

Không phải hôn nhân thực tế

Bà L. cho rằng cách xét xử trên là sai vì bà và ông N. đã chung sống từ tháng 8-1989 và đây là hôn nhân thực tế, còn căn nhà tình nghĩa được cấp năm 1990. Như vậy, căn nhà là tài sản chung của vợ chồng nên ông N. không thể tự định đoạt nó mà không thông qua ý kiến của bà.

Theo Nghị quyết số 35 năm 2000 của Quốc hội, quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 3-1-1987 mà không đăng ký kết hôn thì được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế. Viện dẫn nghị quyết này, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hôn nhân của bà L. với ông N. không phải là hôn nhân thực tế vì họ chung sống từ tháng 8-1989. Thời kỳ hôn nhân của họ được tính từ thời điểm đăng ký kết hôn, tức từ năm 1992. Trong khi đó, ông N. được cấp căn nhà tình nghĩa vào năm 1990, tức trước thời kỳ hôn nhân giữa ông với bà L. Như vậy, nếu ông N. không nhập căn nhà vào khối tài sản chung thì đây là tài sản riêng của ông N. Do đó, ông N. có toàn quyền định đoạt căn nhà này theo ý mình.

Đương nhiên, nếu bà L. chứng minh được công sức đóng góp đối với căn nhà (như bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà), bà có quyền được hưởng một khoản tiền tương ứng với công sức đóng góp đó.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm