Đi Hàn Quốc hái ớt lương 33 triệu/tháng

Thông tin người lao động (NLĐ) Việt Nam sang Hàn Quốc hái ớt, cà chua với thu nhập 33 triệu đồng/tháng (đăng trên www.plo.vn ngày 5-5) thu hút nhiều bạn đọc quan tâm và đặt câu hỏi: Điều kiện làm việc ra sao, thủ tục để được đi làm như thế nào...

Cả vợ và chồng cùng xuất ngoại

Trước giờ xuất cảnh sang Hàn Quốc để làm nghề hái ớt, cà chua với thu nhập khủng, những NLĐ đã cho chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị.

Nói về tâm trạng của chuyến xuất ngoại lần đầu trong đời, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, 48 tuổi, thổ lộ: “Bán vé ròng rã cả ngày nhưng thu nhập bấp bênh, khi biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tuyển lao động lớn tuổi làm nghề nông có thu nhập hơn 1.000 USD/tháng, tôi liền đăng ký học tiếng Hàn ngay từ đầu để không lỡ chuyến xuất ngoại”.

Chị Thanh bảo tuổi đã lớn nên theo học tiếng Hàn khá vất vả nhưng với mục tiêu kiếm chút vốn, chị đã tận dụng cả thời gian đi bán vé số để học. “Ban đầu nói chuyện với ông xã dự tính đi Hàn hái cà chua, ổng cản nhưng thuyết phục miết là vợ đi thời gian ngắn đặng có chút vốn lo cho con cái ăn học, chứ bán vé số bấp bênh biết chừng nào có vốn để dành lo cho con. Rồi ổng cũng xuôi lòng” - chị Thanh chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Phan Ngọc Chánh thì bỏ lại hai con cho ông bà ngoại chăm để sang Hàn hái ớt. “Ban đầu tôi đến đăng ký, thấy nhà tuyển dụng khuyến khích đi cả vợ chồng nên tôi về nhà thuyết phục vợ cùng bấm bụng xuất ngoại một chuyến. Với lại thuận vợ thuận chồng mới phấn chấn làm việc” - anh Chánh hóm hỉnh.

Anh cho biết thời gian học tiếng Hàn không quá nhiều, kèm đó chi phí khá thấp, khoảng 20 triệu đồng cho tất cả chi phí trước khi xuất cảnh.

Người lao động Việt Nam đang chăm sóc cà chua ở Hàn Quốc. Ảnh: A.TUYẾT

Việc không nặng, lương cao

Theo chân 23 lao động sang tận Hàn Quốc để bàn giao cho các chủ trang trại, từ Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp thông tin: Tiêu chí lao động được các chủ trang trại tuyển chọn khá “dễ thở”. Trong mẫu kê khai thông tin cá nhân, các ứng viên điền thông tin cá nhân, chiều cao, sở thích, sở trường, nghề nghiệp hiện tại, tình trạng gia đình,... Số hồ sơ ứng viên kèm theo giấy chứng nhận không bị bệnh lây nhiễm được gửi sang Hàn để các chủ sử dụng lao động lựa chọn, thường thì phía Hàn Quốc khuyến khích đi cả vợ và chồng để NLĐ yên tâm làm việc.

Tại các trang trại, các cặp vợ chồng được bố trí phòng ở riêng với các vật dụng sinh hoạt đầy đủ như gia đình khép kín. Thời gian làm việc tám giờ/ngày, hai ngày cuối tuần được nghỉ ngơi. “Công việc tại các nhà vườn khá đơn giản, trong vòng ba tháng này NLĐ trồng và chăm sóc cà chua, đến vụ thu hoạch và đóng gói sản phẩm. Đa phần các vườn cà chua, ớt được trồng trong nhà kín, chu trình từ lúc trồng trọt đến khi thu hoạch hoàn toàn khép kín nên môi trường và điều kiện làm việc ở đây không quá nặng nhọc, chân lấm tay bùn như cách làm nông nghiệp truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long” - bà Tuyết nói.

Đi kèm đó, NLĐ được bố trí chỗ ở khá tiện nghi cho các cặp vợ chồng (miễn phí), ăn uống thì NLĐ tự lo. Đồng thời mức lương NLĐ thực hưởng trong hợp đồng cao hơn thông tin họ đưa ra trước (33 triệu đồng/tháng), cụ thể thu nhập của NLĐ là 37 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca.

Về điều kiện và chi phí trước lúc xuất cảnh sang Hàn, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp chia sẻ: Đợt tuyển dụng này được trung tâm công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, từ đó NLĐ biết và đến đăng ký. “Đây là công việc nhà nông nên nhiều chị em bán vé số, hàng xén ở chợ, người làm nghề nông đăng ký rất đông, tuy nhiên đợt đầu phía Hàn chỉ tuyển 23 lao động, ưu tiên các cặp vợ chồng. Do đa phần lao động là trụ cột nên khóa học tiếng Hàn thiết kế dạy buổi tối để ban ngày họ còn chạy chợ lo cho gia đình. Tổng thời gian học kéo dài trong vòng một tháng, mọi người có thể giao tiếp đơn giản. Ngoài ra, NLĐ còn học Luật Lao động Hàn Quốc, kiến thức văn hóa, phong tục tập quán và ứng xử giao tiếp” - bà Tuyết thông tin thêm.

Toàn bộ chi phí đi về chỉ khoảng 16 triệu đồng để lo các chi phí vé máy bay khứ hồi, phí làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp.

Theo bà Tuyết, thời gian làm việc của các đôi vợ chồng tại Hàn kéo dài trong ba tháng, sau đó tùy nhu cầu và đánh giá kỹ năng làm việc của các lao động, các chủ nông trại sẽ gia hạn thêm thời gian làm việc.

Tháng 7 tới, các chủ trang trại tại Hàn tiếp tục tuyển thêm 61 lao động, độ tuổi 30-45, trong đó cũng ưu tiên các cặp vợ chồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết ngoài Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long cũng triển khai đưa lao động sang làm thời vụ tại Hàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm