Dỡ phần xây sai phép mới được cấp chủ quyền nhà

Ông Thanh trình bày: “Đường cống cũ dài khoảng 50 m, trước 1975 đó là đường thoát nước phía sau của nhiều gia đình như nhà tôi. Sau đó, địa phương mở đường, làm thêm hẻm thì tất cả không sử dụng đường cống cũ mà thoát nước ra đường cống lớn ở mặt tiền đường. Khi xây mới, sửa lại nhà, các gia đình lân cận cũng tự lấn toàn bộ phần đường cống như nhà tôi...”.

Năm 1995, ông Thanh xin hợp thức hóa nhà thì bị xử phạt hành chính vì xây sai phép nhưng vì đã hết thời hiệu xử phạt nên UBND quận 10 chỉ buộc ông tháo dỡ phần xây sai phép và ông chấp hành với cam kết khi nào Nhà nước làm lại đường cống thì tự nguyện tháo dỡ. Từ đó đến nay, ông Thanh không tháo dỡ phần xây sai phép và Nhà nước cũng không làm lại đường cống.

Năm 2007, Sở Xây dựng TP.HCM ban hành công văn số 5763 hướng dẫn và giải đáp vướng mắc nghiệp vụ về cấp “sổ hồng”, “sổ đỏ” quy định: “Nếu nhà xây dựng trước ngày 01-7-2004 nhưng có sửa chữa, xây dựng thêm (không phép) sau ngày 01-7-2004 mà làm thay đổi hiện trạng thì phải chờ quy định mới của UBND TP. Nhưng nếu phần diện tích xây dựng không phép trên đã được xử lý vi phạm xây dựng, chủ nhà đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm xây dựng thì được xem xét cấp giấy chứng nhận (không chờ)”.

Mới đây, cầm công văn này, ông Thanh lại làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gồm cả phần xây sai phép. UBND quận 10 từ chối với lý do vẫn còn hai hộ đang sử dụng đường cống này.

Tuy vậy, theo ông Thanh, tại văn bản họp của UBND phường 6 ngày 1-3 thì toàn bộ các gia đình liên quan đến đường cống cũ đều khẳng định cống đã sập từ lâu, không ai còn dùng. Không hiểu sao UBND quận lại thông tin như vậy, làm cho yêu cầu cấp sổ của ông và một số hộ lân cận bị ách lại.

THANH TÙNG - THÁI HIẾU

Ý kiến cơ quan

Với trường hợp của ông Thanh và các hộ lân cận, do đã có quyết định xử lý vi phạm yêu cầu phải tháo dỡ nhưng họ vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, các hộ này muốn được cấp giấy chủ quyền thì phải đến cơ quan thanh tra xây dựng quận điều chỉnh lại quyết định xử lý thì quận mới có thể xem xét cấp giấy. Hoặc có một cách nữa là ông Thanh và các hộ lân cận phải chấp hành tháo dỡ để thực hiện quyết định, sau đó Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất sẽ cử người xuống kiểm tra và đề xuất quận xem xét cấp chủ quyền. Việc cấp chủ quyền cũng chỉ công nhận phần diện tích không vi phạm lấn chiếm đường cống.

Ông PHAN HỮU HÒA, Giám đốc Văn phòng
Đăng ký quyền sử dụng đất
(Phòng TN&MT quận 10, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm