Đổ xuống đường bán hàng, giao thông thêm căng

Càng cận Tết, giao thông tại TP.HCM càng căng thẳng. Tuy vậy, lòng lề đường vẫn phải “nhường” chỗ cho những người bán hàng xe đẩy và lề đường.

Lấn cả lề, lòng đường

17 giờ ngày 17-1, khu vực ngã ba đường Cộng Hòa giao với đường C12, phường 13, quận Tân Bình có một số người bày bán hoa giả ngay trên vỉa hè. Dù vào giờ cao điểm, một số người vẫn ngừng xe lại dưới lòng đường để mua hoa khiến người phía sau không di chuyển được, bóp còi xe inh ỏi.

Tại ngã ba đường Bình Long và Lê Thúc Hoạch, phường Tân Quý, quận Tân Phú, những chậu hoa mai lớn được người bán bày chiếm hết vỉa hè và lấn cả xuống lòng đường.

17 giờ 30  cùng ngày, đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 5, quận 3) hướng đi ra đường Nguyễn Thị Minh Khai đông nghẹt người. Đường nhỏ, hai bên la liệt hàng ăn, hàng quần áo, mỹ phẩm… Nhiều quán hàng không có chỗ để xe nên khách muốn ghé mua hay ăn uống thì để luôn xe dưới lòng đường. Cứ vài ba mét lại có xe máy lấy mặt đường làm chỗ đậu. Vài người dừng lại mua hàng là tạo thành ùn tắc nhỏ.

18 giờ 15, đường Cách Mạng Tháng Tám hướng từ quận 2 về Tân Bình, dòng xe nhích từng chút một. Xe bán bưởi da xanh Bến Tre “bao đỏ ngọt” hồn nhiên chiếm một góc lòng đường. Cách đó không xa là ba cảnh sát lưng áo ướt đẫm mồ hôi điều tiết giữa biển người chật cứng. Đi thêm đoạn nữa lại tới xe xoài keo “ruột vàng, bao giòn ngọt, xổ rẻ” chễm chệ giữa lòng đường. “Thiếu gì đâu chỗ bán mà bán ngay giữa đường vậy trời” - một người lái xe máy bực bội lầm bầm.

19 giờ, đoạn đường trên đỡ tắc dần thì tới lượt mấy anh thanh niên trong các cửa hàng điện thoại bán ốp lưng, bao da ra chào mời khách. Có anh đột ngột nhảy xuống lòng đường đưa tay vẫy khách khiến người đi đường giật mình thắng gấp. Mấy chiếc xe sau cũng dừng theo. Vậy là tắc đường!

Sáng 18-1, tại đoạn đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú có rất nhiều mặt hàng như giày dép, ba lô, túi xách, nón… được bày bán ngay trên vỉa hè. Tại thời điểm trên, lượng xe cộ lưu thông khá đông. Vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán hơn một nửa, phần còn lại thì bị những người chạy xe máy lấn lên, người đi bộ không còn lối đi phải đi xuống lòng đường.

Buôn bán giày dép trên đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: N.HIỀN

Bán hoa giả tràn hết lề đường. Ảnh: N.HIỀN

Người bán xoài keo đậu xe bán hàng giữa lòng đường Cách Mạng Tháng Tám.  Ảnh: N.TRÀ

Địa phương sẽ rốt ráo xử lý

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình, cho biết ngay từ đầu năm 2016, phường đã thành lập một tổ công tác gồm sáu thành viên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tổ công tác này thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, cận Tết tình trạng người dân từ nơi khác đến bày bán hàng hóa trên vỉa hè rất nhiều. “Đa phần những người buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là những lao động nghèo nên những trường hợp nào nhắc nhở hai, ba lần mà không chấp hành thì mới phạt. Dù vậy, hiện số tang vật tịch thu của người vi phạm không còn chỗ để. Phường vẫn đang nỗ lực tăng cường kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” - ông Tài cho biết.

Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, quận đã có kế hoạch giao cho 14 phường lập lại trật tự đô thị trước, trong và sau Tết, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. “Những ý kiến phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM chúng tôi xin cảm ơn và ghi nhận. Thú thực đây là một bài toán khó vô cùng, là vấn đề đau đầu của nhiều nơi chứ không riêng gì quận 3. Lực lượng khá mỏng, không thể 24/24 giờ ra quân liên tục. Người buôn bán cũng có nhiều biện pháp đối phó, lúc chúng tôi đến nơi thì họ lại bỏ chạy. Người dân khổ, nghèo nên mới phải đẩy hàng rong ra đường để mua bán nhưng nếu chính quyền làm không tốt sẽ gây hình ảnh xấu, mất niềm tin của nhân dân. Dù vậy, khó không có nghĩa là không làm. Biện pháp trước mắt là thuyết phục để người dân không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây ách tắc giao thông. Quan trọng phải là những biện pháp lâu dài mang tính bền vững, ví dụ như sắp xếp những người bán hàng rong như thế nào trong bối cảnh đất đai hạn hẹp… Chúng tôi đang tìm giải pháp khả thi nhất” - ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…