Doanh nghiệp băn khoăn về áp dụng lương tối thiểu

Điều khiến các DN băn khoăn là mức lương tối thiểu từ ngày 1-10 sẽ áp dụng như thế nào đối với lao động mới và cũ. Theo họ, nếu không tính toán kỹ càng thì tình hình tranh chấp lao động sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Các DN đồng nhất quan điểm nên ngồi với nhau để thống nhất mặt bằng lương thay vì mỗi DN áp dụng một kiểu khiến lao động so bì.

Về giải pháp hạn chế tranh chấp lao động, giám đốc, chủ tịch công đoàn các DN tham dự tọa đàm nhìn nhận bữa ăn giữa ca còn thấp, khó tái tạo sức lao động, đời sống quá khó khăn, công nhân không sống nổi khiến họ đình công là một thực tế khó né tránh. Mặt khác, kinh tế lạm phát tác động đến DN khiến họ cố gắng xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Mai Tuấn Nhã, bày tỏ: “Công ty chúng tôi từng xảy ra ngưng việc ba ngày. Một phần do tôi chủ quan nghĩ rằngvới mức thu nhập khoảng 4 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, công nhân hoàn toàn yên tâm làm việc. Qua tìm hiểu mới biết là do họ bị kích động từ bên ngoài”. Theo bà Nguyệt, những công nhân làm việc tại công ty của bà đều là những người thợ giỏi nhưng vì nhận thức hạn chế nên dễ bị kích động, lôi kéo.

Từ thực tế giải quyết tranh chấp lao động tại DN, bà Nguyệt chia sẻ một số kinh nghiệm. Trước hết, chủ DN cần đối thoại trực tiếp với công nhân hiểu vấn đề bức xúc là gì để cùng giải quyết. Đồng thời, công khai toàn bộ chế độ, chính sách cho công nhân biết để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài. Xây nhà ở cho công nhân với chi phí 60.000 đồng/tháng/người. Mặt khác, hạn chế vai trò bộ phận trung gian truyền đạt lại không chính xác sinh ra bức xúc, gây phiền hà cho người lao động. Cùng với đó, công ty này tìm giải pháp tăng thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/tháng từ tháng 10-2011 cho người lao động bằng cách cắt giảm các chi phí không cần thiết, đàm phán với đối tác để tăng đơn giá gia công,... “Nếu cải thiện được đời sống công nhân thì cải thiện được 80% tình hình tranh chấp lao động, phần còn lại là cải thiện quan hệ ứng xử để hài hòa quan hệ lao động” - bà Nguyệt chia sẻ.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm