Đồng Nai: Án đã tuyên nhưng không thể thi hành

Lúc đó, gia đình bà P. đang ở nhờ trong căn nhà này. Vì nể bà P. là em cùng mẹ khác cha với mình nên từ lúc mua nhà, ông D. tiếp tục để cho gia đình bà P. ở tạm.

Một thời gian sau, dù được yêu cầu chuyển đi nơi khác rất nhiều lần nhưng gia đình bà P. không di dời mà còn nói đã được chủ cũ bán nhà trước khi bán cho ông D. Không còn cách nào khác, ông D. đã kiện ra tòa để đòi bà P. trả lại nhà. Tháng 9-2006, TAND huyện Thống Nhất xử sơ thẩm, “buộc bà P. phải trả lại nhà cho ông D.; tách và giành quyền khởi kiện cho bà P. về khoản tiền tu bổ sửa chữa nhà khi có yêu cầu sau khi thực hiện nghĩa vụ giao nhà, đất trên cho ông D.”.

Tháng 12-2006, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tháng 10-2007, Thi hành án (THA) huyện Thống Nhất gửi thông báo đến bà P. để yêu cầu bà phải giao nhà. Sau đó, THA huyện này cho biết sẽ cưỡng chế THA đối với bà P. Nhưng từ đó đến nay, bản án trên vẫn chưa được thi hành.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Anh Dũng, Trưởng THA huyện Thống Nhất, cho biết: “Trên thực tế, bà P. đã sửa chữa nhà trước khi các tòa xét xử. Theo công văn hướng dẫn một số nghiệp vụ về thi hành án số 404 ngày 24-2-2005 của Bộ Tư pháp, “nếu việc xây dựng và cải tạo, sửa chữa được thực hiện trước khi có bản án, quyết định thì cơ quan THA yêu cầu tòa án đã ra bản án giải thích rõ nội dung bản án, quyết định hoặc đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”. Đối chiếu với quy định này thì chúng tôi chưa thể THA ngay mà phải gửi công văn hỏi TAND tỉnh Đồng Nai nhưng tòa này chỉ giải thích chung chung. Do đó, chúng tôi đã đề nghị TAND tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng hiện nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”.

Khi giữa tòa án và cơ quan THA tiếp tục có nhiều cách giải quyết khác nhau thì biết đến bao giờ quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA mới được đảm bảo?

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm