Du lịch TP.HCM: Phải xóa tour nghèo, giảm chèo kéo

Tiếp nối góp ý của tác giả Tòng Nguyễn (bài viết “9 điều cho du lịch TP.HCM, báo Pháp Luật TP.HCMngày 18-8), nhiều bạn đọc đã đưa ra các đề xuất nhằm phát triển du lịch TP.

Đừng làm chương trình nghệ thuật kiểu ăn xổi

Hơn 20 năm làm hướng dẫn viên du lịch, tôi nhận thấy có hai vấn đề khiến khách du lịch không muốn quay trở lại: Một là du lịch nghèo, hai là tình trạng chèo kéo khách của những người bán hàng rong.

Ở các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, họ thiết kế tour du lịch với những chương trình rất đặc sắc giới thiệu về lịch sử văn hóa của họ như Nụ cười Ăngko (Campuchia), thu 26 USD/người, rất hấp dẫn, hoành tráng. Các chương trình biểu diễn của họ sống được 5-7 năm, vẫn những tiết mục như vậy, một ngày mấy suất nhưng người ta thích xem, đi rồi vẫn muốn trở lại.

Ở nước ngoài, người ta không có nhưng làm được, ta thì ngược lại có mà chưa làm được. Sài Gòn - TP.HCM có lịch sử hơn 300 năm, có tuồng cải lương, có đờn ca tài tử… nhưng tôi chưa thấy thiết kế được tour du lịch nào thật sự đặc sắc. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có địa đạo Củ Chi, hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà…

Muốn giải quyết được vấn đề trên cần có sự đầu tư xây dựng tour, chương trình biểu diễn đặc sắc, kỹ lưỡng, không ăn xổi. Những tiết mục Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… phải tập luyện nhuần nhuyễn mới đưa ra biểu diễn. Diễn hay, diễn có hồn thì chỉ cần một tiết mục đó thôi cũng đủ sống nhiều năm trời, làm nhiều mà làm dở thì chẳng ai nhớ.

Về tình trạng móc túi, chèo kéo khách du lịch, cần lập lực lượng cảnh sát du lịch giống như ở Đà Nẵng. Lập đường dây nóng dành riêng cho khách du lịch: Ngắn gọn thôi để dễ nhớ, dễ gọi. Thực tế hiện nay tại TP.HCM, khi khách mất điện thoại hay gặp tình huống khẩn, tôi không biết gọi vào đâu. Số điện thoại đường dây nóng có thể dán trên xe du lịch, in to để khách dễ nhớ. Ngoài ra, cần có cẩm nang du lịch Sài Gòn ghi rõ số điện thoại đường dây nóng, điểm đến.

Hướng dẫn viên TRƯƠNG VĂN HIỆP (Công ty Du lịch Việt Cam Travel)

Khách du lịch tham quan Bưu điện TP.HCM. Ảnh: HTD

Lập đường dây nóng dễ nhớ

Khi đưa những đoàn khách từ Hà Nội vào TP.HCM, thường thì cả hướng dẫn viên và khách đều có tâm lý chung là lo vấn đề an ninh và an toàn. Chúng tôi rất sợ tình trạng cướp giật. Bản thân tôi có lần cũng đã từng bị hai thanh niên lao thẳng xe máy vào, định cướp túi đeo chuyên dụng của tôi khi đi bộ. Những lúc xảy ra sự cố, hướng dẫn viên như tôi và đoàn khách thường chủ yếu là nhờ vào bà con địa phương. Trong khi đó, tới Đà Nẵng, số điện thoại đường dây nóng về du lịch được dán khắp TP, những vị trí bắt mắt, trên biển to. Ở TP.HCM thì tôi chỉ biết mỗi số 113. Muốn hạn chế tình hình trộm cắp, cướp giật, trước hết phải có đường dây nóng riêng. Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa việc quản lý giám sát, nếu có thể thì mỗi quận sẽ lập đội phản ứng nhanh kịp thời tiếp nhận thông tin, ứng phó khi hướng dẫn viên và khách du lịch phản ánh.

Hướng dẫn viên NGUYỄN TIẾN DUẬT (Công ty Du lịch S Việt)

Có website ẩm thực riêng

TP.HCM nên có website ẩm thực riêng để khách du lịch lựa chọn điểm đến. Đó phải là website uy tín: Hình ảnh thật, nội dung thật, chất lượng thật, giá cả thật, có cập nhật thường xuyên, có phần bình luận để du khách nhận xét, góp ý về điểm đến... Nguồn kinh phí để xây dựng, duy trì trang web là từ quảng cáo, các cửa hàng muốn có hình ảnh trên trang web phải chi trả nguồn kinh phí nhất định.

Hướng dẫn viên VÕ THỊ NGỌC (Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Thay đổi hoạt động bảo tàng

Bảo tàng là một trong những điểm thu hút người dân và khách du lịch khi tới TP.HCM. Tôi đã tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TP.HCM… và nhận thấy một số nơi không có nhiều tư liệu và hình ảnh, số khác vẫn chưa có nhiều hoạt động sự kiện nổi bật để thu hút người dân.

Theo tôi, muốn bảo tàng thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách thì cần kết hợp chặt chẽ hai hình thức là trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề. Cần đổi mới cách thức trưng bày, có thể bổ sung một số hoạt động khác đi kèm theo như hội thảo, trình diễn, cửa hàng lưu niệm, mời các chứng nhân lịch sử, những nhà nghiên cứu đến gặp gỡ nói chuyện…

Sự thay đổi của bảo tàng phải xuất phát từ nhu cầu của công chúng, nhu cầu của xã hội. Cần phải coi trọng việc nghiên cứu, đánh giá khách tham quan bằng các bản điều tra xã hội học phát cho người xem trưng bày. Công chúng rất đa dạng, có nhiều nhu cầu khác nhau và bảo tàng cần quan tâm đặc biệt đến công chúng trẻ tuổi.

Ngoài ra, một khâu rất quan trọng mà các bảo tàng cần chú trọng làm mới là tuyên truyền, tiếp thị. Hoạt động tiếp thị không thể thiếu trong một bảo tàng hiện đại.

Mỗi bảo tàng cần có chiến lược tiếp thị phù hợp với mục tiêu và điều kiện của mình, có thể dưới nhiều hình thức như sách giới thiệu trưng bày, áp phích, quảng cáo… Trong đó, cần chú trọng các hoạt động tiếp thị thông qua báo chí, truyền thông vì nó giúp đến được với rất nhiều đối tượng công chúng. Ngôn ngữ, hình ảnh báo chí có sức hấp dẫn riêng.

LÂM NGỌC QUYÊN (Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, giải nhất cuộc thi Tự hào sử Việt 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm