Đừng để dân hoang mang vì đưa tin sai

Vụ xúc xích Viet foods một lần nữa cho thấy doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm thường chịu hậu quả nặng nề do thông tin không chính xác từ cơ quan chức năng, cùng sự “phát tán”, bình luận của truyền thông. Người dân thì hoang mang không biết sau này có nên tin các cảnh báo hay không.

Nói phải cẩn trọng

Gần chục năm trước, ngành nước tương khủng hoảng với thông tin sản phẩm có chất 3-MCPD, có thể gây ung thư. Những nghiên cứu, những phát hiện mới vào thời điểm đó cho thấy quy trình sản xuất nước tương kiểu cũ có thể sinh ra chất 3-MCPD. Thực sự, các DN không cố ý, không vi phạm, thậm chí cũng không biết gì về chất này.

Thị trường nước tương bị “sốc”. Người tiêu dùng lo lắng một thì DN lo đến mười. Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã sớm liên kết với các đơn vị khoa học, công nghệ để họp báo, cung cấp thông tin, giải tỏa nghi vấn và lo sợ để người tiêu dùng an tâm tiếp tục sử dụng nước tương, đồng thời bàn phương hướng chuyển sang công nghệ sản xuất nước tương khác không tạo ra 3-MCPD.

Sau nước tương lại đến nước mắm bị truyền thông là chứa... phân urê để tăng độ đạm, làm giả độ đạm. DN nước mắm điêu đứng. Lại phải họp báo, cung cấp thông tin để báo chí hiểu rõ hơn sự việc. Những thông tin thiếu khách quan, thiếu trung thực, thậm chí có thể có sự cạnh tranh đằng sau đã khiến các DN lao đao, thậm chí có trường hợp phá sản.

Chúng tôi mong trước khi đưa thông tin, cơ quan chức năng lẫn báo chí nên cẩn trọng tìm hiểu kỹ càng, xem DN có thực sự sai hay không, đó là cố ý hay là lỗi kỹ thuật... Trừ số ít DN cố ý né tránh, còn hầu hết DN đều muốn rõ ràng. Các vị phải tìm hiểu rõ nguồn cơn và có trách nhiệm với chính thông tin mình đưa ra ngoài xã hội, đừng đưa theo kiểu “hù dọa” khiến xã hội lo lắng thái quá, cực đoan.

LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM

Các DN sản xuất xúc xích kêu khốn đốn với thông tin không chính xác từ cơ quan chức năng. Ảnh: T.TÙNG

Thổi phồng thông tin khác nào giết doanh nghiệp

Nhiều khi vi phạm có thể không nặng nề hoặc chỉ là cá biệt một DN nhưng thông tin được đưa ra thường bị “quy mô hóa” lên thành “tội lỗi” của cả ngành. Ví dụ, một vài lô hạt điều bị lỗi, vài lô thủy sản không đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật... phút chốc được thông tin như thể tất cả hạt điều Việt Nam đều tồi tệ, tất cả DN thủy sản Việt Nam đều sai phạm. Tin ngày càng lan rộng, báo chí nước ngoài dẫn lại, gây hiểu nhầm, gây sự e dè đối với hàng Việt, là rào cản cho các DN Việt làm ăn đàng hoàng.

Đầu năm nay, một phó chủ tịch Hội Hồ tiêu Việt Nam từng bức xúc nêu lên khó khăn của DN trong cuộc gặp với các tham tán thương mại, đề nghị được hỗ trợ “đính chính” thông tin ở nước ngoài để cứu giá tiêu. Trước đó, DN xuất khẩu tiêu bị ép giá vì thông tin “thổi phồng” trên báo chí khi có một lượng nhỏ tiêu Việt Nam xuất khẩu bị phát hiện có chất diệt nấm.

Gần đây tôi thấy đã có một số vụ xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật. Các cơ quan quản lý cần theo dõi, xử lý nhiều hơn, đặc biệt phải chú ý loại thông tin nhằm cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu, gièm pha đối thủ.

Luật sư NGUYỄN THANH LONG, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh

Sau hoang mang là tức giận

Xúc xích là món ăn khoái khẩu của hai đứa nhỏ nhà tôi. Tôi hay chọn mua sản phẩm có thương hiệu và chỉ mua tại các siêu thị uy tín để đảm bảo an toàn vệ sinh. Vừa rồi, khi đọc thông tin về xúc xích mang thương hiệu Viet foods có chứa chất gây ung thư, cả nhà tôi bị sốc. Tôi đã tự trách mình nếu sau này sức khỏe của các con có bề gì thì lỗi do tôi. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được hai con đừng ăn món mà chúng thường ngày rất thích.

Đùng một cái, lại nghe thông tin quay ngược 180 độ là không có chuyện xúc xích gây ung thư. Tôi vừa mừng lại vừa giận. Giận vì với những thông tin gây chấn động người dân như thế mà các đơn vị chức năng lúc nói có, lúc bảo không. Trước đây tôi rất tin tưởng những thông tin từ cơ quan nhà nước nhưng chính họ cũng sai thì biết tin vào đâu?

NGUYỄN THANH PHƯƠNG (Quận 3, TP.HCM)

Làm ơn chỉ nói những điều chính xác!

Câu chuyện về xúc xích của Viet foods, tôi thấy các cơ quan chức năng làm việc thiếu trách nhiệm quá. Hiện nay người dân rất quan tâm tới vấn đề sức khỏe, một khi nghe thông tin về loại thực phẩm bẩn nào đó là tẩy chay ngay. Vậy nên các ngành chức năng cần tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi thông tin đến công chúng.

Dù rằng thông tin sai có thể nói lại, đăng tải lại nhưng làm sao bảo đảm được những người đã đọc thông tin trước sẽ theo dõi diễn biến tiếp theo. Tôi là một viên chức, hằng ngày cơ quan có đặt mua báo nên tôi có cơ hội được cập nhật thông tin thường xuyên nhưng các bà nội trợ hay người lao động chân tay đâu phải lúc nào họ cũng đọc báo, xem đài.

Một thông tin được tiếp nhận thì thoắt trở thành ấn tượng hay định kiến ngay. Chính vì thế, làm ơn hãy chỉ nói những thông tin chính xác, tránh gây hoang mang cho dân và thiệt hại cho DN.

LÊ MẪN NAM (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Bản tin trách nhiệm

Một bản tin nhỏ của FDA (Mỹ) hồi đầu tháng 4 qua khuấy động lại câu chuyện về gạo nhiễm thạch tín (asen).

Trong bản tin ngắn gọn, FDA giải thích rõ ràng về việc gạo nhiễm asen, phát hiện từ ba năm trước, nói rõ nguyên nhân từ tự nhiên như đất, không khí đều có chứa asen. Việc các cơ quan liên quan đã lấy mẫu gạo trên thị trường và kết quả kiểm nghiệm như thế nào. Cơ quan này không quên khuyến cáo người dân về liều lượng gạo sử dụng hằng ngày, đặc biệt với bà bầu và trẻ con.

Bản tin này cũng công bố dự thảo tiêu chuẩn asen trong gạo dự kiến áp dụng trong thời gian tới để DN tiếp cận các tiêu chuẩn mới và để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.

Một bản tin rất ngắn nhưng đầy đủ thông tin, người đọc có thể cảm thấy lo lắng về bữa cơm của mình nhưng không vì vậy mà hoang mang, hoảng sợ hay tẩy chay, ngừng mua hàng.

Có lẽ cũng không DN nào phá sản hay lao đao với thông tin này.

Một bản tin rất ngắn nhưng đầy đủ trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm