Đừng tự đẩy mình vào đường lao lý

Khi tham gia giao thông, bản thân các tài xế phải có ý thức trách nhiệm và văn hóa giao thông. Văn hóa ở đây là việc nhường đường cho nhau, là đỗ xe đúng quy định để tránh ùn tắc giao thông... Trong vụ ở Bình Định, chưa xét về mặt pháp lý ai đúng ai sai nhưng nếu tài xế Lê Thành Nghiệp có ý thức tốt thì sẽ cho xe đỗ qua một bên, để các xe khác lưu thông bình thường rồi mới làm việc, thậm chí tranh luận với người có thẩm quyền về việc đúng sai. Nếu không đồng tình với việc ban quản lý trạm cân xác định mình có lỗi, tài xế Nghiệp có thể đề nghị cơ quan nhà nước liên quan xem xét, khiếu nại hay khởi kiện hành chính về quyết định xử phạt.

Nếu các tài xế hành động đúng theo nguyên tắc thì vừa có thể bảo vệ quyền lợi cho mình, vừa không cản trở giao thông. Tài xế hãy đặt trường hợp mình đang bị ngăn cản trước một hành động của tài xế khác để hiểu sự khó chịu đến mức nào. Đó là chưa kể vì mình mà doanh nghiệp, nhà xe khác bị chậm trễ các chuyến vận chuyển hàng hóa.

Các tài xế không thể cứ bực mình CSGT, không đồng tình cách làm của trạm cân thì cho xe nằm vạ như thế. Hành vi ấy có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 Bộ luật Hình sự hiện hành, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Mặt khác, tài xế vi phạm còn có thể phải chịu chi phí cưỡng chế kéo xe ra khỏi trạm cân, bị những người tham gia giao thông trên tuyến đường kiện đòi bồi thường thiệt hại…

Vì bất đồng hay vì phút nóng giận trong việc giải quyết với cá nhân có thẩm quyền, cơ quan chức năng mà một số tài xế đã hành động tiêu cực là chống người thi hành công vụ hay cản trở giao thông.... Điều này không giúp tài xế giải quyết được vấn đề mà còn làm trầm trọng thêm vụ việc, các tài xế tự đẩy mình vào con đường lao lý phía trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm