Dùng từ sai do không biết nghĩa

Bài “Sử dụng ngôn từ cần tinh hơn” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-7 khiến tôi nhớ ngay đến một thắc mắc vẫn nằm trong đầu lâu nay. Từ “khuyến mại” cùng hay khác nghĩa với từ “khuyến mãi”? Nếu giống nhau thì sao các cơ quan không thống nhất trong cách dùng cho đỡ rối? (Trên thực tế, luật và nhiều văn bản dưới luật toàn dùng “khuyến mại”, báo đài thường dùng “khuyến mãi”). Và nếu khác nhau thì bên nào đúng, bên nào sai?

Chẳng hạn, khoản 8 Điều 9 Luật Dược quy định: Cấm khuyến mại thuốc trái quy định của pháp luật. Thế nhưng khi trích dẫn quy định này vào các bài phản ánh những bất ổn trong việc quản lý giá thuốc, một tờ báo của TP.HCM lại ghi “cấm khuyến mãi thuốc”. Hay Điều 6 Nghị định 37/2006 của Chính phủ có quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Khi trích quy định này để phê phán những doanh nghiệp mắt kính đua nhau giảm giá dưới chuẩn trên, một bài viết của báo Pháp Luật TP.HCM cũng tự ý thay từ mại thành mãi. Đã gọi là trích nguyên văn quy định sao báo không viết y như trong văn bản mà tự ý thay đổi?

Dùng từ sai do không biết nghĩa ảnh 1

Theo cách hiểu chung, khuyến mãi hay khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Nhưng theo nghĩa chính xác của từ Hán Việt, mãi khác nghĩa với mại: mãi là mua, mại là bán. (Đây là lý do người ta gọi gái mại dâm, không gọi là gái mãi dâm). Theo đó, khuyến mại ngược nghĩa với khuyến mãi. Khuyến mãi là khuyến khích việc mua hàng, khuyến mại là khuyến khích việc bán hàng.

Khi thường xuyên dùng từ khuyến mại trong các văn bản, ý chí nhà làm luật muốn hướng đến doanh nghiệp, cụ thể là xét đến các giải pháp để doanh nghiệp thúc đẩy việc tiếp thị nhằm tiêu thụ hàng hóa. Đơn cử là các điều 7, 8, 9 Nghị định 37 có liệt kê các hình thức khuyến mại như: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó…

Chính vì thế, nếu muốn nhắm đến số đông là người mua hàng, báo đài có thể dùng từ khuyến mãi. Như khi đưa tin về một quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến giá cước điện thoại di động, các báo đài có thể đưa theo hướng “từ nay mức khuyến mãi dành cho khách hàng bị khống chế không được vượt quá 50%”… Nhưng khi đã dùng từ nào thì phải dùng cho đúng với ngữ cảnh, tránh việc hiểu nhầm “hai từ là một” rồi dùng lộn xộn, tạo ra những khác biệt không đáng có (nhất là trong những trường hợp có trích văn bản), dễ gây cảm giác khó chịu cho người đọc.

Còn nhớ tại hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” (tháng 6-2010), đã có ý kiến đề nghị khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường. Theo một PGS-TS của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, do không học chữ Hán hoặc không có thói quen tra từ điển Hán-Việt và tiếng Việt mà giới truyền thông đã dùng sai từ một cách khủng khiếp. Như “yếu điểm” được dùng như “điểm yếu”, “cứu cánh” được dùng như “cứu giúp”...

Xem ra việc tôi chỉ ra những lỗi trong cách dùng từ khuyến mãi, khuyến mại như đã nêu ở trên không thừa. Và phải chăng nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là kêu gọi mọi người học chữ Hánhay chí ít là học từ Hán-Viêt?

PHƯƠNG TRÂM (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm