Được khai sinh nơi trẻ đang sống

Theo tường trình từ ông An, năm 1990 gia đình ông có đăng ký tạm trú tại phường 13, quận 3 nhưng do nhà bị giải tỏa nên gia đình ông dời đi tạm trú nhiều nơi. Cuộc sống gia đình khó khăn nên mải lo mưu sinh, ông chưa kịp đăng ký khai sinh cho con gái. Hiện tại vợ chồng ông không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy kiểm tra do Công an quận 3 cấp năm 1992 nên ông đã quay về đây để đăng ký khai sinh cho con.

Sau khi nhận hồ sơ của ông An, UBND phường 13, quận 3 xác minh, thấy đúng như ông An tường trình. Sau khi đi khỏi địa phương năm 1994, gia đình ông An đã không khai báo tạm vắng từ đó đến nay nên không xác định được nơi cư trú. Còn giấy kiểm tra mà gia đình ông được cấp cho ông năm 1992 (cho những hộ không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM) chỉ có giá trị tạm thời trong thời gian ở địa phương nên nay giấy này không còn giá trị.

Căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc “UBND cấp xã, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh”. Do đó, UBND phường 13 đã từ chối đăng ký khai sinh cho con của ông An và đề nghị ông An đến UBND phường nơi đứa trẻ đang sinh sống để làm thủ tục.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó phòng Hộ tịch-Quốc tịch-Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết UBND phường 13 từ chối đăng ký khai sinh cho trẻ là đúng. Tuy nhiên, theo các điều 43, 44 Nghị định 158, do ông An chưa đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày (kể từ lúc đứa bé được sinh ra) nên ông phải đăng ký khai sinh quá hạn cho con và thẩm quyền đăng ký khai sinh là UBND phường Tân Thuận Tây, quận 7.

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm