Đường 7 tỉ đồng hơn một năm đã sạt lở

Công trình đường bờ đông sông Cái Lân tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có chiều dài 5 km, ngang 4 m, kinh phí xây dựng trên 7 tỉ đồng được khánh thành đưa vào sử dụng chỉ hơn một năm, nay đã xảy ra sạt lở và răng nứt. Đây là công trình chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, trong đó người dân TP.HCM đã đóng góp trên 5,5 tỉ đồng, phần còn lại là từ ngân sách tỉnh Tiền Giang.

Ông Lê Văn Thái, ngụ ấp 4, xã Tân Hưng, cho biết: “Công trình mới đưa vào sử dụng thì nay sụp và nứt nẻ khắp nơi”. Người dân cho biết nguy cơ sạt lở, xuống cấp, oằn lún trên tuyến đường vẫn đang tiếp diễn. Việc sụp lún không những gây nguy hiểm cho người qua lại vào ban đêm vì đoạn đường này không có đèn mà còn nguy hiểm hơn khi nước lớn, người qua lại khó phát hiện đoạn nào bị sạt lở vì hiện chưa hề có biển cảnh báo nguy hiểm nào.

Đoạn bị sạt lở (trái) và đoạn bị răng nứt (phải). Ảnh: ANH THƯ

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, xác nhận có sạt lở và răng nứt ở hai vị trí trên tuyến đường nói trên. “Ngay khi xảy ra sự cố, xã đã xuống hiện trường nắm tình hình, thông tin cảnh báo các phương tiện qua lại, đồng thời báo cáo về UBND huyện, liên hệ ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng của huyện để cử cán bộ chuyên môn xuống khảo sát và tìm phương án gia cố, khắc phục” - ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, quá trình thi công được giám sát kỹ càng nên yếu tố chất lượng công trình luôn được chú trọng nhưng mưa lớn, sông rộng với mật độ phương tiện ghe xuồng lưu thông thường xuyên đã gây áp lực dòng chảy, cuốn vào chân đường gây sạt lở và răng nứt.

Ông Nguyễn Hoàng Thảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè, cho biết: “Ban đã nắm tình hình và tiến hành khảo sát sơ bộ, đồng thời báo cáo, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo khắc phục. Lãnh đạo huyện đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch tìm nguồn vốn để thực hiện việc xử lý sạt lở”. Ông Thảo khẳng định không phải chất lượng công trình kém hay bị rút ruột. Sự cố sạt và răng nứt là do yếu tố khách quan, quá trình khảo sát, thiết kế đã tính toán và xem xét yếu tố thủy văn. “Công trình làm trên cơ sở nền đường cũ cặp bờ sông, bờ sông lại dốc đứng nên phải thi công vào phía trong nhưng nếu làm như thế thì vướng nhiều nhà dân. Vì vậy, vẫn phải thi công cặp mé sông, dù đã có giải pháp gia cố mà vẫn chưa lường hết yếu tố tác động dòng chảy kết hợp mưa lớn” - ông Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm