Giá cả tăng, người dân xót ruột!

Do chiếm 35% chi phí cước vận tải nên khi xăng dầu tăng thêm khoảng 30% thì giá cước cũng tăng ít nhất 12% nữa. Nay mai đây, vật giá chắc chắn sẽ tăng cao nhưng tăng đến mức nào thì chưa rõ. Chỉ biết rằng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Hai đã tăng 3,83% so với tháng trước và tăng đến 17,72% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tôi lo quá! Nếu trước Tết, dầu ăn Neptune chai một lít giá 29.000-30.000 đồng thì nay là 32.000 đồng; các loại mì ăn liền đều tăng giá 5.000-6.000 đồng/thùng; thịt heo khoảng 80.000 đồng/kg; khổ qua vẫn ở mức cao là 8.000 đồng/kg... Loại gạo mà tôi vẫn ăn đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg. Tóm lại, thứ gì cũng đắt, cũng tăng.

Đành rằng nhà nước vừa triển khai một giải pháp được đánh giá là “chưa bao giờ thực hiện từ trước đến nay”, đó là sẽ hỗ trợ cho ngư dân, người nghèo, vùng sâu, vùng xa... một phần chi phí tăng thêm vì giá xăng dầu tăng. Nhưng còn rất nhiều cán bộ, công nhân viên... đơn thuần hưởng lương nhà nước, số đông này sẽ sống như thế nào khi giá cả liên tục tăng đến mức chóng mặt?

Phượng (phanphiphuong...@yahoo.com)

Nói sợ không ai tin, chứ tuần rồi cả nhà tôi chỉ ăn có một bữa thịt. Hai vợ chồng đều là công nhân, lương khoảng 1,6 triệu đồng/người mà phải nuôi hai con (đứa cấp một, đứa cấp hai). Trước đây, tiền học cho hai con, tiền ăn xài hàng ngày... đã “ngốn” gần hết số tiền lương nói trên. Nay khi xăng tăng giá, hàng hóa, thực phẩm cũng “a dua” tăng theo, tôi không biết phải lo liệu như thế nào với khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình, cũng như các khoản chi phí cần thiết khác.

Nghe nói Chính phủ và Quốc hội đã bàn bạc nhiều lần về việc chống lạm phát, bình ổn giá. Vậy mà lúc này nhà nước lại tăng giá mặt hàng quan trọng nhất, khởi đầu cho những đợt tăng giá của những mặt hàng khác.

Tất nhiên, nếu trước đây đã tiết kiệm thì giờ tôi càng phải tiết kiệm nhiều hơn nữa. Nhưng biết đến lúc nào tiền lương trong túi tôi mới rủng rỉnh để tôi đỡ “đau đầu” với chuyện ăn uống, chi tiêu... của cả gia đình.

Minh Hằng (Quận 6)

Thường thì giá tăng nhiều ở các nhóm hàng như: lương thực, gạo, thực phẩm, thịt gia súc, thịt gia cầm, đường, gas, dịch vụ giao thông vận tải, nhà ở, vật liệu xây dựng...

Như vậy, các nhóm hàng có chỉ số gia tăng nhiều là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, tức là những mặt hàng thiết yếu. Từ đó, khoản tiền dành cho ăn uống của các hộ gia đình luôn chiếm tỷ lệ cao tính trên tổng thu nhập kiếm được. Khi chi tiêu cho ăn uống chiếm 49% trong chi tiêu cho đời sống hằng ngày của các hộ gia đình, điều gì sẽ xảy ra với việc giá cả tăng cao? Chưa kể các đối tượng có thu nhập thấp lại càng khó khăn hơn khi mức chi tiêu cho ăn uống chiếm đến 58%-60% trong chi tiêu cho đời sống hằng ngày của họ.

Bài toán bình ổn giá đang là một thách thức lớn của chính quyền các cấp!

Thanh Hà (nguyenthanhha...@yahoo.com.vn)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm