Giải quyết sao với việc ngập nước?

- Trong đợt triều cường lớn nhất vừa qua, nhiều đường phố ngập gần 1 m, nước lênh láng, dân tình khổ sở... Thông tin này càng khiến nhiều người sốt ruột, lo lắng vì đến giờ chính quyền vẫn chưa có những giải pháp chống ngập căn cơ.

Trước đây, TP.HCM được quy hoạch với quy mô khoảng 140 km2 cho số dân khoảng một triệu người. Nhưng rồi dân số TP dần tăng cao, nhà chòi, nhà ổ chuột mọc dần ven và trên kênh rạch, dựng trên cả các cửa vòm miệng cống. Sau giải phóng, dân số lại tăng đột biến, đô thị phát triển nhanh ra các quận ven (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 8), mật độ xây dựng trở nên dày đặc. Tiếp đó, tiến trình đô thị hóa đã làm hình thành thêm các quận mới (2, 7, 9, 12, Thủ Đức), rồi Bình Tân, Tân Phú...

Đáng nói là hệ thống thoát nước lại không theo kịp nhu cầu. Được biết, tổng chiều dài các cống thoát nước cấp hai, cấp ba đến nay chỉ mới đáp ứng khoảng 30% yêu cầu. Nhiều tuyến đường, khu dân cư ra đời mà không có cống thoát nước nên mưa xuống lụt lội đã đành mà mùa khô lúc triều lên cũng bị ngập. Bên cạnh đó, TP chấp nhận việc lấp sông rạch để giao đất cho các dự án nhưng lại chưa tính đến việc tạo ra sông rạch, hồ chứa nước mới khi xây dựng đô thị. Khi việc thoát nước không gắn chặt chẽ với quy hoạch đô thị, chẳng trách nhiều nơi thường xuyên bị ngập lụt với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Chính quyền hãy cố gắng làm ngay những gì có thể trước khi quá muộn (tạo ra nhiều hướng thoát nước, xây dựng cốt nền chuẩn...). Nếu không, người dân sẽ còn khốn đốn với cảnh ngập lụt không chỉ do mưa lũ mà còn do triều cường.

TRẦN TIẾN PHƯỚC (Huyện Nhà Bè)

- Nhà tôi nằm trong một dãy cư xá được xây dựng vào những năm 1990. Lúc xây, nhà thầu có chừa ra phần thông hành địa dịch mà bên dưới có hệ thống cống thoát nước cho cả khu. Để đảm bảo sự an toàn của cả dãy nhà, không ai được quyền xây dựng ở phần diện tích chung đó. Lúc đầu, khi sự cấm cản trên được thực hiện nghiêm chỉnh, chẳng ai phải lo ngại mưa to, gió lớn. Nhưng sau đó một thời gian, nhà nọ đã tự nới rộng diện tích sử dụng ra phần đất chung; nhà kia xây nhà tắm, nhà vệ sinh ngay trên miệng cống (!). Thế là các nhà dần bị ngập, càng về sau càng trở nên kinh khủng, không “chạy” đâu cho thoát. Hiện chúng tôi đã phải lấp đường thoát nước cũ và tạo đường thoát nước mới thông ra đường cống đặt ở hai bên đường.

Rõ ràng, việc xây nhà trên miệng cống, kênh rạch... là một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở các đô thị lớn. Đề nghị chính quyền mạnh tay xử lý những vi phạm này để nếu không bớt được những điểm ngập cũ thì cũng đừng để phát sinh thêm những điểm ngập mới.

BÉ TOÀN (Quận 7)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm