Giao lưu trực tuyến về thuế TNCN: Cách tính thuế mới công bằng hơn

Bạn đọc có thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân có thể gửi thư về 470 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM; fax: 08.38345102; e-mail: bandoc@phapluattp.vn

9 giờ sáng qua (19-12), tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM về thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cùng các cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Nhựt - Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ; ông Dương Anh Minh - Phó phòng Thuế thu nhập cá nhân; ông Nguyễn Đức Thanh - chuyên viên Phòng Tuyên truyền hỗ trợ, ông Phạm Hữu Đức - chuyên viên Phòng Thuế thu nhập cá nhân lần lượt giải đáp gần 500 câu hỏi xoay quanh luật thuế mới này.

Giảm trừ gia cảnh: Còn nhiều lấn cấn

Khác với quy định hiện hành về mức khởi điểm chịu thuế (năm triệu đồng/tháng), Luật Thuế thu nhập cá nhân công bằng hơn với cách tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc. Theo đó, cùng một mức thu nhập nhưng nếu có hoàn cảnh khác nhau thì số thuế phải nộp sẽ khác nhau.

Vậy như thế nào thì được tính là người phụ thuộc? Bạn Hoa Ha. (buctuonglua@gmail.com) hỏi: “Vợ trong độ tuổi lao động, không có thu nhập; em học đại học có được xem là người phụ thuộc?”. Ông Nguyễn Đình Tấn giải thích: “Không phải người nào không có thu nhập cũng đều được tính là người phụ thuộc. Người phụ thuộc nếu ở trong độ tuổi lao động phải đáp ứng nhiều điều kiện khác: Nếu là vợ/chồng của đối tượng nộp thuế thì phải là người bị tàn tật, không có khả năng lao động; nếu là em ruột, ngoài những điều kiện trên còn phải là người không nơi nương tựa, được đối tượng nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng”.

Tuy nhiên, tiêu chí để xác định thế nào là “không nơi nương tựa”, “trực tiếp nuôi dưỡng”... thì Cục Thuế TP.HCM đang tập hợp, xin ý kiến của Tổng cục Thuế. Ví dụ, ông A (sống tại TP.HCM) gửi tiền về quê nuôi ông nội (sống tại Đồng Tháp), tuy không sống chung nhưng có phải là “trực tiếp nuôi dưỡng” không? Nếu đúng thì UBND cấp xã nơi ông A cư trú có “dám” xác nhận việc ông này đang nuôi ông nội và UBND xã sẽ xác minh bằng cách nào...

Chuyển nhượng bất động sản: hai cách nộp thuế

Do nhà, đất có giá trị lớn nên nhiều bạn đọc đã thắc mắc về mức thuế phải nộp khi chuyển nhượng loại tài sản này. Bạn đọc Phạm Thị Quỳnh Chi (chi.quechi@yahoo.com.vn) hỏi: “Qua năm 2009, ba mẹ tôi cho tôi một căn nhà. Đây là căn nhà duy nhất tôi đứng tên thì đóng thuế ra sao?”. Câu trả lời: “Trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất tại Việt Nam thì thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở đó là thu nhập miễn thuế”.

Đối với trường hợp của bạn NTPHUONG (nqtrangsuka@gmail.com): “Tôi có một thửa đất đã được cấp “giấy đỏ”, diện tích 1.000 m2. Năm 2009, tôi chuyển nhượng cho em ruột tôi một phần 100 m2 và bán một phần 100 m2 cho người khác” thì phải đóng thuế. Phần chuyển nhượng cho người em ruột được miễn thuế theo luật định, còn phần chuyển nhượng cho người khác thì phải kê khai và nộp thuế.

Vậy nhà, đất bị giải tỏa để thực hiện dự án của tư nhân có thể xem là chuyển nhượng bất động sản cho chủ đầu tư và phải chịu thuế hay không? Cũng theo ông Tấn, Cục Thuế TP.HCM sẽ hỏi ý kiến của Tổng cục Thuế về vấn đề này.

Thuế mới khác sao với thuế cũ?

Nhiều bạn đọc quan tâm về việc so với cách tính thuế mới, tiền đóng thuế của họ tăng hay giảm so với cách tính thuế thu nhập theo Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Bạn Kim Phượng (quận 1, TP.HCM) hỏi: “Thu nhập của tôi là 10 triệu đồng/tháng (sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), có ba mẹ đủ điều kiện là người phụ thuộc. Đầu năm 2009, liệu tôi có nộp thuế cao hơn hiện nay?”. Các chuyên gia giải đáp: Mức thuế bạn đóng hiện tại là năm triệu đồng x 10% = 500.000 đồng/tháng. Nếu áp dụng cách tính mới, bạn được giảm trừ 7,2 triệu đồng (bốn triệu đồng cho bản thân, 3,2 triệu đồng cho hai người phụ thuộc). Thu nhập tính thuế là 2,8 triệu đồng, nhân với thuế suất 5% ra số thuế phải nộp là 140.000 đồng/tháng, thấp hơn mức cũ.

Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, các cá nhân kinh doanh không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp mà chuyển sang đóng thuế thu nhập cá nhân. Do đó, buổi giao lưu trực tuyến nhận được nhiều sự quan tâm của đối tượng này.

Giao lưu trực tuyến về thuế TNCN: Cách tính thuế mới công bằng hơn ảnh 1

Các chuyên viên của Cục Thuế TP.HCM đang soạn thảo câu trả lời.
Các chuyên viên của Cục Thuế TP.HCM đang soạn thảo câu trả lời.

Bạn đọc Trần Thị Kim Thùy (276 Minh Phụng, quận 11) hỏi về thuế cho xã viên hợp tác xã vận tải. Ông Tấn trả lời: “Từ ngày 1-1-2009, các xã viên hợp tác xã chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với hoạt động kinh doanh. Sắp tới, Tổng cục Thuế sẽ ban hành tỷ lệ ấn định để xác định thu nhập chịu thuế. Khi có hướng dẫn, Cục Thuế TP.HCM sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế biết và thực hiện”.

Đối với những người có nhiều nguồn thu nhập như bạn đọc Nguyễn Tấn Sâm (tanxam2004@yahoo.com): “Đang làm kế toán bán thời gian cho nhiều doanh nghiệp mà không có hợp đồng lao động thì kê khai và nộp thuế như thế nào?” thì được hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký thuế tại chi cục thuế nơi cư trú.

Ngoài ra, nhiều bạn đọc cũng thắc mắc về ý nghĩa của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông Nguyễn Thiện (nguyenthien@yahoo.com) hỏi: “Tại sao lại quy định mọi người đang đi làm, có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân?”. Cách hiểu như thế là chưa đúng. Ông Dương Anh Minh - Phó phòng Thuế thu nhập cá nhân giải thích: “Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và kinh doanh của cá nhân cư trú thì trước khi tính thuế sẽ được giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân đối tượng nộp thuế là bốn triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Sau khi giảm trừ gia cảnh mà không còn thu nhập tính thuế thì sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, các khoản bảo hiểm bắt buộc và tiền đóng góp quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học... cũng được trừ ra trước khi tính thuế”.

Bạn đọc có thể truy cập vào Giao lưu trực tuyến về "Thuế thu nhập cá nhân"  để biết thêm chi tiết.

Cơ quan nào xác nhận về nghĩa vụ nuôi dưỡng?

Theo Cục Thuế TP.HCM, bản tự khai về trách nhiệm nuôi dưỡng do UBND cấp xã nơi người nộp thuế cư trú xác nhận. Nội dung cần có: Mối quan hệ với người nộp thuế, cam kết người phụ thuộc không nơi nương tựa, không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá 500.000 đồng/tháng và người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng.

Thuế thu nhập cá nhân đối với việc chuyển nhượng nhà, đất được tính theo một trong hai cách sau đây:

- Trường hợp xác định được giá vốn và các chi phí hợp lý liên quan thì thuế phải nộp bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất 25%. Trong đó, thu nhập tính thuế = giá chuyển nhượng - (giá vốn + các chi phí hợp lý có liên quan).

- Trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan thì thuế phải nộp bằng giá chuyển nhượng nhân với thuế suất 2%.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm