Gỡ rối cho thừa phát lại hoạt động

Tại buổi họp trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, đại diện các Sở Tư pháp địa phương nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc mới trong công tác thí điểm chế định thừa phát lại (TPL).

Theo Điều 28 Nghị định 61/2009, vi bằng do TPL lập có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét, giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 135/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2009), vi bằng này được coi hợp lệ khi đăng ký tại Sở Tư pháp.

Đăng ký vi bằng ra sao?

“Theo quy định trên thì Sở Tư pháp xác nhận đăng ký như thế nào? Đóng dấu lên vi bằng hay xác nhận, chứng nhận vi bằng? Nếu ký tên lên vi bằng thì cấp nào ký, phòng quản lý ký hay ban giám đốc ký? Hiện chưa có quy định cụ thể về việc này nên cần phải có sự thống nhất tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu” - ông Nguyễn Hòa Bình (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long) băn khoăn.

Ông Phan Hồng Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội) cũng nêu vấn đề nếu có hướng dẫn thì Sở Tư pháp chỉ xác nhận đăng ký về hình thức hay chịu trách nhiệm cả về nội dung của vi bằng? Theo ông Sơn, Sở Tư pháp cần phải kiểm soát cả nội dung. “Nếu vi bằng lập không đúng dẫn đến khiếu kiện thì giải quyết sao trong khi hiện giờ chưa có quy định về việc này. Ở đây phát sinh tới ba mối quan hệ: Thứ nhất là giữa người dân với văn phòng TPL, giữa người dân với Sở Tư pháp (cơ quan quản lý), giữa văn phòng TPL với Sở Tư pháp” - ông Sơn nói.

Tỉ lệ người dân tại các địa phương biết đến hoạt động thí điểm TPL (Theo Viện Nghiên cứu pháp lý - Bộ Tư pháp). Đồ họa: KP

̣ sai, bị hủy án

Một khó khăn lớn mà các văn phòng TPL đang gặp phải là hệ thống TAND các cấp ở một số địa phương chưa triển khai việc chuyển giao văn bản tống đạt. Ban đầu các tòa lấy lý do phải đợi văn bản hướng dẫn cụ thể của TAND Tối cao về mức phí và cách tính phí tống đạt. Tuy nhiên, đến nay khi đã có văn bản này (ra ngày 13-8), vẫn có những địa phương chưa ký hợp đồng chuyển giao văn bản tống đạt với TPL như Hà Nội, Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Hòa Bình (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long) cho biết giữa TPL và các cấp tòa ở một số địa phương chưa có sự thống nhất về việc tống đạt theo Điều 152 BLTTDS. Chẳng hạn khi tống đạt văn bản tố tụng mà người được tống đạt vắng mặt thì TPL giao lại cho người thân thích ký nhận để người này giao lại cho người được tống đạt nhưng tòa không đồng ý. Kể cả khi tổ trưởng, UBND xã, công an xã nhận văn bản này rồi giao lại cho người được tống đạt, tòa cũng không chịu.

Ông Tạ Quốc Hùng (Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) lý giải: Trách nhiệm của thẩm phán là giải quyết vụ án. Nếu việc tống đạt không chặt chẽ sẽ dẫn đến hai khả năng: Một là kéo dài vụ án dẫn đến án quá hạn, hai là tống đạt vi phạm tố tụng bị hủy án. Từ đó, thẩm phán lo ngại trách nhiệm của mình vì bị đánh giá về năng lực xét xử để làm cơ sở cho tái bổ nhiệm. Nếu vì tống đạt sai mà bị hủy án thì ai là người chịu trách nhiệm? Thẩm phán xét xử vụ án hay TPL? Hiện nay pháp luật cũng chưa quy định về việc này.

Theo ông Tống Anh Hào (Phó Chánh án TAND Tối cao), các tòa phải tạo điều kiện phối hợp để TPL làm việc có hiệu quả. Ngược lại, TPL phải tạo niềm tin, làm an tâm cho tòa là tống đạt văn bản đúng quy định tố tụng. “Nếu công tác tống đạt chưa tốt thì phải tổ chức tập huấn là tống đạt như thế nào hợp lệ, như thế nào không hợp lệ để rồi cả tòa án và TPL cùng nhau tháo gỡ khó khăn, làm cho tốt công việc.

***

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kết luận sẽ mời thẩm phán đến tập huấn cho TPL về hoạt động tống đạt văn bản. Được biết hiện tại TP.HCM, cả ba cơ quan (Sở Tư pháp, TAND, Cục THADS) đang soạn thảo quy chế phối hợp về việc tống đạt văn bản này.

KIM PHỤNG

Đồng hành với thừa phát lại

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác TPL, nhất là trong nội bộ để việc thí điểm đạt kết quả hơn nữa.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã yêu cầu các cơ quan khác như TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ngân hàng Nhà nước... tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Ông nêu điển hình cho việc tuyên truyền thống nhất này là vừa qua UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ quan, tổ chức trên địa bàn phải thực hiện nghiêm việc thí điểm TPL nhằm tạo điều kiện cho TPL làm tốt công việc. Bộ trưởng cũng yêu cầu tất cả cán bộ, công chức ngành THA dân sự phải xem TPL là đồng nghiệp để đồng hành cùng họ trong công tác thi hành án, nếu không sẽ bị kỷ luật.

Một số kiến nghị

- Cần xây dựng Luật Thừa phát lại (TPL).

- Bỏ giới hạn về địa hạt đối với TPL vì làm co cụm hoạt động của TPL.

- Điều một số chấp hành viên từ cơ quan THA dân sự qua Văn phòng TPL để tạo nòng cốt cho tổ chức này.

- Tòa bổ sung trong phần giải thích về việc THA dân sự của bản án, quyết định là người dân có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự hoặc văn phòng TPL thi hành bản án, quyết định này.

- Việc giải quyết khiếu nại liên quan đến TPL nên giao cho Sở Tư pháp.

Ông NGUYỄN VĂN LỰC, Cục trưởng Cục THA
dân sự TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm