Gọi cứu hỏa có tốn tiền?

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) phối hợp với UBND hai quận Ba Đình, Đống Đa treo nhiều băng rôn với nội dung: “Chữa cháy không mất tiền, khi phát hiện có cháy gọi ngay 114”.

Việc treo những băng rôn như trên tưởng đơn giản nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi đằng sau đó là cả một câu chuyện thú vị.

Lầm tưởng chữa cháy tốn tiền

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, cho biết các băng rôn bắt đầu được treo từ tháng 10-2017. Việc làm này là một sáng tạo của đơn vị, xuất phát từ thực tiễn quá trình làm nhiệm vụ.

Trong quá trình đi tập huấn, rất nhiều người dân lầm tưởng chữa cháy là mất tiền, khi được giải thích miễn phí hoàn toàn mọi người mới ngớ ra. Thậm chí có người nói thấy cháy nhưng không dám gọi cứu hỏa vì ngại rắc rối tiền bạc về sau. Để người dân hiểu rõ hơn, phòng đã tham mưu, phối hợp với đơn vị liên quan của các phường tổ chức in ấn, treo băng rôn tại các con ngõ, khu chung cư

Nói về hiệu quả, Đại tá Sơn cho biết: “Công tác chữa cháy thì đương nhiên phải báo rồi nhưng mừng là số ca cứu hộ xã hội tăng rất nhiều”. Theo đó, nhiều trường hợp bị kẹp tay trong thang máy, kẹt trong nhà vệ sinh, trẻ bị kẹp tay vào vòi ấm nước không rút ra được… cũng đều gọi 114 đến giải cứu.

“Đây cũng là xu thế phát triển chung của thế giới, hễ có sự cố gì là người dân nhớ ngay đến lực lượng cảnh sát PCCC, cứu hộ và cứu nạn” - Đại tá Sơn cho hay.

Gọi cứu hỏa có tốn tiền? ảnh 2

Băng rôn chữa cháy miễn phí được treo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và mô hình chữa cháy bằng xe máy (ảnh dưới). Ảnh: TUYẾN PHAN

Nhiều sáng tạo trong chữa cháy

Song song với việc treo băng rôn, phòng cũng vừa chính thức đưa vào sử dụng một loạt xe máy chữa cháy cơ động. Đây được đánh giá là một trong những biện pháp tối ưu nhằm chữa cháy trong các ngõ nhỏ, tình huống khẩn cấp. Do đặc điểm một số phường trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa có nhiều ngõ rất sâu, có ngõ lên tới hàng cây số, xe đi vào rất khó nên phải tìm cách khắc phục.

“Nhiều trường hợp xảy ra cháy, khi lực lượng đến thì người dân không biết chữa cháy ban đầu, phải lấy xô, chậu để múc nước, hiệu quả rất hạn chế” - Đại tá Sơn nói.

Với loại hình xe máy chữa cháy, lợi thế lớn nhất là rất cơ động khi xử lý các đám cháy nhỏ, ngõ sâu hoặc phương tiện bị cháy trên đường, nhất là khi tắc đường, nguồn nước ở quá xa thì hiệu quả càng rõ hơn.

Mỗi xe máy cứu hỏa được thiết kế tỉ mỉ để có thể chở theo các thiết bị thiết yếu phục vụ chữa cháy, cứu hộ như búa, kềm cộng lực, bộ thủy lực, bình chữa cháy khí nén sử dụng nước, bột chữa cháy, máy bơm chữa cháy. Lực lượng PCCC sẽ lắp máy bơm vào các bể nước của hộ dân. Loại máy bơm này có thể chữa cháy tới tầng bốn. Hiệu quả rõ nhất là năm 2017 địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa không xảy ra cháy lớn, thiệt hại chỉ hơn 70 triệu đồng, không có thiệt hại về người.

Trong năm 2018, đơn vị sẽ tham mưu với quận cho các phường có ngõ sâu trang bị hệ thống máy bơm nước. Xây dựng kế hoạch chi tiết về vận hành, bảo dưỡng, khảo sát nguồn nước, kỹ năng sử dụng. Khi có cháy, người dân có thể sử dụng được để dập lửa ngay từ đầu. Lực lượng cũng sẽ thường xuyên tuyên truyền cho người dân về ngăn ngừa, phòng cháy ngay từ đầu, khi xảy ra cháy phải biết cách xử lý an toàn.

Dân còn tiếc tiền phòng cháy

Chia sẻ với PV, Đại tá Sơn nhận định hiện ý thức của người dân trong công tác PCCC còn rất hạn chế, nhiều người nghĩ rằng cháy nhà khác chứ không cháy nhà mình.

Đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền vào buổi tối nhưng số người tham gia rất ít. Tại mỗi tổ dân phố, lượng người tham gia chỉ khoảng 20 người mà phần lớn là trẻ nhỏ, người già. Phòng phải cử cán bộ trực tiếp đến từng nhà mời đi nhưng hiệu quả cũng không cao.

“Người dân có thể bỏ ra vài triệu để ăn một bữa, để tiếp khách nhưng một chiếc mặt nạ chữa cháy chỉ vài trăm ngàn đồng thì lại tiếc không đầu tư” - Đại tá Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm