Hà Nội: “Ổ” ô nhiễm ở lò mổ Giáp Nhị

Tuy nhiên, vì chưa quan tâm đúng mức đến vệ sinh môi trường nên nơi đây đang là “ổ” ô nhiễm.

Những gì chúng tôi ghi nhận khi đến với lò mổ Giáp Nhị là vết máu loang lổ, mùi xú uế nồng nặc và các tuyến đường ra vào bị nhuộm đen kịt. Dù giờ cao điểm của lò mổ là từ hai giờ đến năm giờ sáng nhưng đến sáu giờ, lò mổ vẫn còn vô số thịt, lòng, nội tạng heo... nằm la liệt trên nền gạch.

Bên trong lò mổ không khác gì bên ngoài. Sau mỗi ca làm thịt heo, thay vì dùng nước lau rửa sạch các bệ mổ, các chủ mổ chỉ dùng chổi tre và xẻng gột các lớp lông, váng bẩn bám xung quanh. Nhiều chủ mổ thản nhiên: “Với hàng nghìn con heo được làm thịt mỗi đêm, cách làm trên giúp tiết kiệm nước và nhân công lao động”. Sau khi giết mổ xong, các bệ mổ còn là nơi tập kết hàng... để các thương lái đến nhận, chuyên chở vào nội thành.

Từ lò mổá, con sông Tô Lịch đoạn qua khu vực này lại có thêm hàng nghìn mét khối nước thải có cả lông và nội tạng heo. Những người dân sống ở ven sông cho biết khi trời nắng, các phế phẩm này bốc mùi hôi tanh khó tả. Cạnh đó, mùi xú uế từ các chuồng chứa cũng khiến cho gần 500 hộ dân trong tổ dân phố 5 luôn... ngạt thở. Một hộ than thở: “Có việc chúng tôi mới dám ra ngoài, còn không thì suốt ngày đóng kín cửa, chẳng làm ăn gì được!”.

Buồìn nôn, ho, khó thở và một số bệnh về hô hấp... gần như là căn bệnh phổ biến của các hộ ở gần lò mổ. Ông Đặng Minh Lai, tổ trưởng tổ dân phố 5, thôn Giáp Nhị, cho biết: “Bình thường đã vậy, huống hồ đang có đại dịch heo “tai xanh”. Tụi tui lo lắm...”.

Tồn tại trong nhiều năm qua, lò mổ Giáp Nhị đang tập hợp các chủ mổ từ các lò mổ trong nội thành vốn bị Hà Nội hạn chế hoạt động như Mai Động, Lương Yên, Thịnh Liệt... Gần đây, do người dân phản ứng dữ dội, các chủ mổ và chính quyền địa phương đã mời nhân viên y tế phường đến kiểm tra, xây ao chứa nước thải và hợp đồng với các cơ quan vệ sinh môi trường để vận chuyển rác đi tiêu hủy... Song các hoạt động này lại không diễn ra thường xuyên. Theo ông Lai, mọi việc trong lò mổ vẫn do các chủ mổ tự quản lý, chính quyền địa phương hầu như đứng ngoài cuộc.

Nhiều ý kiến đề nghị chính quyền giải tán lò mổ hoặc di chuyển lò đến một địa điểm ngoại thành khác nhưng e rằng điều này chẳng dễ thực hiện. Nên chăng các cơ quan chức năng cố gắng quan tâm đến sức khỏe người dân để giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường, tránh những nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn.

NGUYÊN ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm