Hiểm họa rình rập khi xe buýt chạy đua

An toàn, tiết kiệm, thú vị là ưu điểm của các phương tiện vận chuyển công cộng, trong đó có xe buýt. Đối với những người thường xuyên đi xe buýt như tôi, việc ngồi hàng giờ trên một tuyến xe buýt dài hay mòn mỏi dõi theo những vòng lăn của bánh xe trong giờ cao điểm là chuyện bình thường. Việc chen chúc, đứng từ đầu tuyến đến cuối tuyến trên xe cũng chẳng có gì lạ. Điều tôi muốn nói ở đây là có nhiều nỗi lo thường trực mà hầu như hành khách nào cũng dễ dàng nhận ra khi có tai nạn xảy ra.

Bị lố giờ, đua nhau tăng tốc

Báo Pháp Luật TP.HCM số trước có đăng bài “Xe buýt đua, gây tai nạn chết người” phản ánh vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào chiều 7-8 tại cầu vượt Thủ Đức làm một người chết, một người bị thương. Đọc xong bài này, tôi chợt nhớ lại những lần tận mắt chứng kiến cảnh xe buýt đua nhau khiến người ngồi trên xe và cả người ở dưới đất đều có cảm giác sợ hãi. Thường thì các chuyến xe buýt của cùng một tuyến sẽ có thời gian khởi hành cách nhau 10 đến 30 phút. Nhưng vì nhiều lý do nên có nhiều bác tài bị lố giờ, dẫn đến xe này bám đuôi xe kia. Lúc ấy, vừa để cho kịp giờ, vừa sợ xe trước đón hết khách, nhiều tài xế đua nhau tăng tốc, tìm mọi cách luồn lách để vượt qua đối phương.

Hiểm họa rình rập khi xe buýt chạy đua ảnh 1

Hôm đó, tôi đi chuyến xe buýt số 8 và cũng đến đoạn đường gần Suối Tiên. Khi xe chúng tôi đang chạy với tốc độ bình thường thì từ phía sau có một chiếc xe buýt số 8 khác bất ngờ vượt lên, lúc chạy ngang qua người nhân viên thu tiền vé còn vẫy tay chào tài xế xe chúng tôi với vẻ khiêu khích. Tưởng vậy là xong, nào ngờ tài xế xe chúng tôi bắt đầu rồ ga, tăng tốc, luồn qua lề bên trái, trong chớp nhoáng đã xuất hiện trước đầu xe bên kia.

Hậu quả của cuộc đua là mấy chục hành khách được một phen hú vía. Một vài em bé giật mình ôm mẹ khóc ré lên. Sau cú đổ nhào nghiêng ngả, mọi người bắt đầu lấy lại bình tĩnh. Người thì xoa tay, kẻ xoa chân một cách đau đớn vì cú va đập vào thành ghế. Có người nóng tính buột miệng la lớn: “Ông chạy xe kiểu gì đấy hả?”. Có người hài hước: “Đua vừa thôi bác tài ơi!”. Còn những vị khách quen thuộc như tôi chỉ biết im lặng vì có càm ràm thì bác tài vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Một lần khác, khi đang đi bộ trên đoạn đường gần ký túc xá, nghe tiếng còi xe tôi vội vàng đi sát vào lề. Thế nhưng ngay sau đó tôi có một cảm giác lành lạnh sau gáy, lúc nhìn lên tôi thấy lù lù một chiếc xe buýt chạy sát người và không còn cách nào khác là đứng im, chờ cho xe đi qua. Cách đó vài bước, một bạn nam cũng đang chới với cùng chiếc xe máy khi xe buýt chạy ngang qua. Thì ra hai xe buýt đang giành đường để vượt lên nên bác tài đã không ngần ngại lái xe chạy sát lề, lấn hết phần đường dành cho người đi bộ.

Ít khi chịu dừng hẳn

Cách dừng xe của các bác tài cũng làm khá nhiều người bức xúc. Theo đúng quy định, khi nhận được thông báo dừng trạm, tài xế sẽ từ từ giảm tốc độ và khi đến trạm sẽ cho xe dừng hẳn để khách xuống hoặc lên xe một cách an toàn nhất. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng làm được điều này. Có nhiều bác tài khi đến trạm chỉ cho xe chạy chầm chậm chứ không bao giờ dừng hẳn kèm theo đó là lời “cổ vũ”: “Nhanh lên bà con ơi, trễ giờ rồi”. Và thế là hành khách phải vội vàng tay xách nách mang bước vội xuống xe hoặc leo vội lên xe cho kịp giờ của các bác tài.

Với những người đi xe buýt “có nghề” như tôi thì việc chạy theo xe và nhảy phóc lên xe hay nhảy vội xuống xe cũng không đến nỗi khó khăn, mặc dù khá nguy hiểm. Chỉ khổ cho những ai lần đầu tiên đi xe buýt hay các cụ già, phụ nữ mang thai… thì thật khó để làm những việc đó. Có lần tôi nhìn thấy một cụ bà lưng còng phải cúi sát sàn xe, chống hai tay lên sàn di chuyển đến ghế ngồi trông thật tội nghiệp. Tuy được một thanh niên tốt bụng đến đỡ tay nhưng cụ vẫn không yên tâm. Khi được hỏi sao cụ phải chống hai tay như vậy, cụ nói: “Tôi bị ngã một lần rồi. Vì xe chạy nhanh quá nên “bò” vậy cho chắc”.

TRÂN CHÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm