Hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong tôi

Tuổi tôi năm nay thuộc hàng U60, đã có quá nhiều “cơ hội” tiếp xúc với thầy thuốc từ việc mình trực tiếp điều trị hoặc thăm nuôi người thân nên có thể đưa ra lời nhận xét tốt đẹp về họ. Hoặc có lẽ tôi may mắn gặp toàn những bác sĩ tận tâm, chạy chữa cho bệnh nhân mà không mảy may để tâm đến sự tri ân nào. Chính vì vậy mà mỗi lần xuất viện, trong tôi lại thêm một hình ảnh người thầy thuốc đáng kính trọng.

Chắc tất cả bệnh nhân đều có tâm trạng giống tôi, khi đã đến bệnh viện rồi thì phó thác sinh mạng mình cho thầy thuốc. Đặc biệt lúc lên bàn mổ, bác sĩ sơ sểnh một li là bệnh nhân mãi mãi không tỉnh dậy. Từ đó mà nhiều bệnh nhân có tiền của, muốn thật an tâm khi lên bàn mổ đã tìm cách lấy lòng bác sĩ bằng phong bì.

1. Tôi đã vài lần phải lên bàn mổ. Lần thứ nhất, tôi được đưa đến cấp cứu ở BV Trung ương Huế trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng. Đơn thân và không tiền bạc (vì hành lý bị thất lạc trên xe từ Hà Nội vào), tôi chỉ kịp ký vào giấy cam kết trước lúc lên bàn mổ. Ấy vậy khi xuất viện, tôi cảm thấy tâm thái rất thoải mái. Bác sĩ cầm dao mổ lúc đó là ai tôi không biết mặt nhưng người gây mê hôm đó thì tôi còn nhớ rất rõ. Anh ấy nói chuyện với tôi thân mật như người nhà, giúp tôi nhẹ nhàng đi vào cơn mê trong trạng thái tin tưởng. Và khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức, tôi quá mừng rỡ thấy bóng dáng vợ mình thấp thoáng qua khung cửa kính. Hóa ra người bác sĩ gây mê ấy đã lần theo địa chỉ tôi tâm sự lúc gây mê mà báo tin cho gia đình tôi!

Hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong tôi ảnh 1

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: CTV

2. Lần gần đây nhất vào đầu tháng 8-2012, tôi đến bệnh viện vì chứng viêm xoang mạn. Vì tin lời đồn thời nay y đức quá xuống cấp nên tôi ngại đến bệnh viện. Ai mách bảo cách chữa ngoại khoa gì tôi đều làm theo, thế là cuối cùng bệnh càng nặng, gây nghẹt cứng cả hai bên mũi. Không thở được, mất ngủ và nhức đầu dữ dội, tôi mới chịu cầm bảo hiểm y tế tới BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

Thú thật khi vào phòng khám, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng vài lời khuyên của những người đi trước: “Đừng dại nghe lời bác sĩ mà mổ, tiền mất tật càng nặng thêm”. Tuy nhiên, “ý chí” ấy đã bị lời khuyên nhẹ nhàng của vị nữ bác sĩ khám khuất phục: “Phải nhập viện thôi anh Hạ. Tôi nghĩ anh không chết vì nghẹt mũi mà vì bệnh cao huyết áp, anh đã quá lạm dụng thuốc co mạch”.

Những ngày nhập viện, tôi tìm hiểu ca mổ “cắt hai cuốn mũi dưới quá phát” của mình được xếp vào hàng… đại phẫu nên càng lo. Tôi tìm cách tiếp cận BS Hạnh để trao phong bì cho yên tâm nhưng ánh mắt trong sáng và lời lẽ chân tình, thẳng thắn của bác sĩ đã không cho tôi có cơ hội.

Đúng ngày lịch sắp xếp bệnh nhân mổ bảo hiểm y tế, căn phòng tiền gây mê khá đông bệnh nhân nghèo. Mặt ai cũng tái mét lộ vẻ lo lắng, câu hỏi duy nhất mà người ta thì thầm tai nhau là: “Có phong bì không?”. Và họ đã an tâm khi ai cũng lắc đầu…

Tôi được gọi vào phòng gây mê tai-mũi-họng trước tiên. Ở đây nhân viên thiết bị và kỹ thuật gây mê đã đông đủ, chỉ chờ bác sĩ mổ có mặt là họ sẵn sàng gây mê cho bệnh nhân. Nằm trên bàn mổ, nghe họ vừa soạn dụng cụ vừa trao đổi nhau mà tôi đâm lo lắng: “Con dao đó chỉ dành cho bệnh nhân mổ dịch vụ”; cả bệnh viện chỉ có một bác sĩ sử dụng được con dao này…

Khá lâu mà BS Hạnh chưa tới làm tôi sốt ruột. Một bác sĩ khác tới thay, nhìn ông mang găng tay vào tôi lo lắng hỏi: “Dạ, BS Hạnh không tới hả?”. Nghe hỏi, vị bác sĩ này lột găng tay ra rồi nói với kíp trực: “Bệnh nhân này mổ theo yêu cầu”. Thật ra tôi có yêu cầu gì đâu. Chỉ vì tôi thật sự tin tưởng người bác sĩ cầm dao mổ cho mình chính là người tường tận bệnh mình mà thôi… Bỗng chuông điện thoại phòng mổ reo rồi nhân viên trực tới nói với tôi: “Bệnh nhân chịu khó đợi một chút, BS Hạnh tới liền”. Đúng, non 10 phút sau BS Hạnh có mặt. Khoác áo, tẩy trùng xong bác sĩ nói: “Bệnh nhân thông cảm nghe, tôi đến muộn vì phải hội chẩn”. Nghe tiếng nói của bác sĩ là tôi đã yên tâm chìm vào giấc mê, dù người kỹ thuật viên gây mê cho tôi quá vô ý, anh ta ấn mạnh cái chụp thuốc vào mũi tôi, đè lấn sang cả con mắt phải đau điếng.

Tỉnh dậy, nằm một chặp tôi mới hiểu mình vừa trải qua cuộc phẫu thuật. Tôi đưa tay gỡ cái chụp oxy ở mũi ra và nhân viên trực tức thời đến giúp đỡ. Mấy phút sau BS Hạnh có mặt, cô đưa tay ra trước mặt bảo tôi đếm, tôi nghĩ rằng đó là quy trình kiểm tra dành cho bệnh nhân tỉnh thuốc mê. Nhưng đến chiều, về phòng hậu phẫu thì tôi mới biết con mắt phải của tôi tím bầm như vừa bị một cú đấm mạnh…

Một tuần sau, được sự chăm sóc của bác sĩ điều trị và tập thể y tá của khoa Liên chuyên khoa, tôi đã an tâm xuất viện. Cùng nhập viện với tôi hôm đó có một sinh viên y khoa năm hai. Chúng tôi đã thân thiết nhau ngay khi biết cả hai cùng mắc một bệnh và chung một bác sĩ điều trị. Chia tay nhau, tôi chúc cháu học thật giỏi, sau này trở thành một bác sĩ tài và đức như BS Hạnh. Cháu ngoan ngoãn cười hiền: “Dạ, cô Hạnh là tấm gương cho con noi theo. Hì hì, chú yên tâm”.

Niềm tin về ngành y tế nước nhà

Cách đây hơn một tuần mẹ tôi có triệu chứng tê tay chân, không cử động được, người nhà nghi ngờ bị tai biến nên tức tốc đưa bà đến bệnh viện quận nơi bà đăng ký khám bảo hiểm. Đáp lại sự lo lắng của người nhà chúng tôi là thái độ thờ ơ của các bác sĩ ở bệnh viện này. Họ cũng đưa mẹ tôi vào khám nhưng không chụp CT mà chỉ chẩn đoán là bị tai biến rồi cho xuất viện kèm theo một số loại thuốc không rõ công dụng. Gia đình thấy không yên tâm nên đưa mẹ lên bệnh viện tuyến trên. Làm xong thủ tục nhập viện, tôi nghe bác sĩ BV Nhân dân 115 phàn nàn: “Sao đưa cụ vào trễ vậy, may mà chưa có vấn đề gì”. Nghe vậy rất lo lắng nhưng nhìn thái độ phục vụ tận tình của bác sĩ chúng tôi cũng phần nào cảm thấy yên tâm. Trong suốt một tuần mẹ tôi ở bệnh viện, tuy bệnh nhân rất đông, có khi quá tải nhưng các bác sĩ, y tá ở đây vẫn phục vụ bằng thái độ nhiệt tình, tận tụy. Thỉnh thoảng có một số người nhà bệnh nhân hơi qua khích thì y tá cũng chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở chứ không tỏ thái độ phiền hà.

Giờ mẹ tôi đã được xuất viện trở về, khi ra khỏi bệnh viện tôi thật sự cảm thấy nhẹ nhõm. Chính những cử chỉ ân cần ấy của các y bác sĩ đã cho tôi một niềm tin về ngành y tế nước nhà.

NGUYỄN HOÀNG OANH(Quận 3, TP.HCM)

TRẦN KIÊM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm