Hoa của người tù Huỳnh Văn Nén

Được tại ngoại hầu tra sau 17 năm bảy tháng năm ngày, chiều qua người tù Huỳnh Văn Nén và gia đình đến thăm và cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã đồng hành cùng họ đi tìm công lý sau vụ án giết người, trong đó có một bản án chung thân. Với ông Nén, đó là bản án năm năm tù và bản án chung thân, chín người khác trong gia đình ông cũng lâm vòng lao lý.

Câu chuyện ấy dài, đau đớn, có cả sự thất vọng, căm phẫn nhưng cũng lấp lánh tình người, đủ chất liệu cho ngàn trang tiểu thuyết. 18 năm, đủ cho con trai út của ông Nén ngày cha bị bắt nói chưa rành, giờ đã ngoài hai mươi. Thời gian choàng lên anh vô số tủi nhục của gần hai thập niên.

Ông Nguyễn Thận, người láng giềng tốt bụng, nguyên trưởng công an, chủ tịch xã rồi phó chủ tịch Mặt trận huyện Hàm Tân, đồng hành cùng gia đình ông Nén kêu oan ngần ấy năm. Gần 20 năm trước, cũng chính ông Thận nói với ông Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén: “Bác tiền mô mà thuê luật sư, để tui viết giúp đơn rồi dẫn đi gặp nhà báo!”.

Ngày họ dắt nhau đến cửa tòa soạn để được tư vấn, chị Bảo Trâm nói: “Bác nghèo, tiền đâu mướn luật sư?”. Phóng viên Bảo Trâm hỏi rồi dắt thân nhân ông Nén tới gặp luật sư Phạm Kim Anh.

Khi Tổng Biên tập Nam Đồng cử phóng viên Sao Biển tham gia vụ này, trong cơ quan có ý kiến: “Sao không gửi một cây bút điều tra hoặc một cây bút tố tụng cứng cựa?”. Ông Nam Đồng nói: “Báo mình nhiều người giỏi luật nhưng anh Vũ Đức Sao Biển có sự nhạy cảm của một nhà văn, một nhạc sĩ. Những điểm tựa pháp luật ấy sẽ đứng sau hỗ trợ Sao Biển!”.

Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: DUY TÍNH

 
Ông Huỳnh Văn Nén và gia đình tại tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM chiều 4-11. Ảnh: DUY TÍNH

Cái ngày ông Nén nói tại tòa: “Hôm đó tôi đang đi làm thuê cho nhà ông Chín Chè thì sao có thể cùng lúc ra tay giết bà Bông được?”, phiên tòa hoãn. Ông Sao Biển đã chạy về tận nhà ông Chín Chè xác minh. Xong việc thì các điều tra viên cũng vừa đến. Tính ra vụ án Huỳnh Văn Nén đã có ba thế hệ các nhà báo Pháp Luật TP.HCM đeo đuổi: Sao Biển, Phương Nam, rồi các phóng viên tòa án bây giờ.

Đồng hành với gia đình ông Nén còn có sự tham gia của nhiều nhà báo, nhiều tờ báo khác. Năm 2004, một lá đơn tập thể của bảy nhà báo được gửi đến chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước kêu oan cho ông Nén. Đó là các nhà báo: Vũ Đức Sao Biển (Pháp Luật TP.HCM), Mạc Hồng Kỳ (Thanh Niên), Trần Mỹ (Người Cao Tuổi), Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong), Lê Thanh Phong (Lao Động) và Cao Thuyên (Nông Thôn Ngày Nay) và một nhà báo nữa (người viết quên tên). Vụ án cứ sau ít tháng bị chìm lại được báo chí xới lên. Đồng hành với họ sau này có thêm luật sư Trần Vũ Hải và nhiều đồng nghiệp của ông.

Hôm nay, thay mặt cơ quan nhận lẵng hoa gia đình ông Huỳnh Văn Nén tặng, chúng tôi chúc ông đã tự do và hứa là ngày nào thân phận pháp lý và những quyền lợi chính đáng của ông chưa được thực hiện thì báo Pháp Luật TP.HCM sẽ còn đồng hành như đã đồng hành cùng ông  18 năm nay. Ở báo Pháp Luật TP.HCM, vụ án Huỳnh Văn Nén đã được phản ánh qua ba đời tổng biên tập. Phóng viên viết bài, ông Sao Biển đã về hưu, sau này là anh Phương Nam​. Và những phóng viên hôm nay viết bài, khi vụ án xảy ra còn chưa vào tiểu học.

Cơ quan nào cũng có những truyền thống để tiếp nối. Trong niềm vui vì làm được điều có ích trả lại công bằng cho ai đó, các nhà báo cũng ngậm ngùi: Ước gì đừng phải bao giờ kế thừa tiếp nối việc kêu oan.

Hai lần bị oan

Đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) bị siết cổ chết tại nhà và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng. Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và cử điều tra viên Cao Văn Hùng thụ lý.

Thời điểm trên, Huỳnh Văn Nén hay lê la ở chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền cơm rượu. Rượu vô, Nén tưng tửng nói đùa chính mình là người giết bà Bông. Không ngờ sau đó ông Nén bị khởi tố, bắt giam. Sau này tại tòa, ông  Nén khai rằng điều tra viên đã nhục hình, ép cung nhiều ngày liền để buộc ông phải khai nhận tội.

Theo nội dung kêu oan của ông Nén, sau đó điều tra viên còn buộc ông Nén phải khai nhận đã cùng gia đình bên vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “Vườn điều” đã xảy ra năm năm trước đó. Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, ông Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết người trong vụ án “Vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia đình gồm chín người và cả ông Nén bị truy tố và kết án oan. Sau này cả chín người này đều được minh oan, còn hung thủ trong vụ án “Vườn điều” mãi đến nay vẫn chưa ló dạng.

Trở lại vụ án giết bà Bông, ngày 31-8-2000, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt ông Nén tù chung thân cho cả hai tội giết người và cướp tài sản. Do thiếu hiểu biết, Huỳnh Văn Nén đã không biết làm đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm vì vậy có hiệu lực pháp luật. Từ đó ông Nén thụ án chung thân.

Ngày 2-9-2000, sau ngày tòa sơ thẩm xử Huỳnh Văn Nén, anh Nguyễn Phúc Thành (trú Tân Minh, lúc đó đang thụ án về tội cố ý gây thương tích tại trại giam Sông Cái ở Ninh Thuận) nghe loáng thoáng ông Nén đã bị kết án tử hình trong vụ giết bà Bông. Thành biết rõ hai người bạn thân của mình mới là thủ phạm còn Nén bị oan nên viết đơn tố giác gửi ban giám thị trại giam.

Theo đơn của Thành thì chính Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (đều ngụ Tân Minh) đã giết chết bà Bông rồi cướp nhẫn vàng. Sau khi gây án, Th. đã rủ anh Thành gọi xe ôm chở vào một tiệm vàng ở xã Xuân Hòa, Xuân Lộc (Đồng Nai) bán lấy tiền. Sau đó thì Th. đón xe đi biệt tích…

Nội dung đơn tố giác của anh Thành đã được chuyển cho Cục V26 Bộ Công an. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lại cử… điều tra viên Cao Văn Hùng đi xác minh. Đơn tố giác nói trên sau đó rơi vào im lặng…

Sau nhiều năm các luật sư vào cuộc và báo chí lên tiếng, tháng 9-2014, VKSND Tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án rồi TAND Tối cao hủy án để điều tra lại, ông Nén bị chuyển sang tạm giam. Chiều 22-10-2015, ông Huỳnh Văn Nén được tại ngoại điều tra sau gần 18 năm ngồi tù.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…