Khai miễn tiền sử dụng đất

Là thương binh hạng 1/4 nên tôi cần làm thủ tục gì để được miễn, giảm tiền sử dụng đất?

Vương Ngọc Chiến (vuongngocchien105@...)

Luật sư LÊ BỬU THÀNH trả lời: Theo khoản 5 Điều 12, khoản 4 Điều 13 Nghị định 198/2004 của Chính phủ, việc miễn, giảm tiền sử dụng đất được áp dụng đối với đất ở trong hạn mức giao đất (bao gồm giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất) đối với người có công với cách mạng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo Thông tư 28/2001 của Bộ Tài chính, hồ sơ khai miễn, giảm tiền sử dụng đất gồm có: Tờ khai tiền sử dụng đất (theo mẫu); giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất (đối với hộ gia đình, cá nhân có công với cách mạng phải có giấy tờ có liên quan chứng minh thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất của UBND cấp tỉnh hoặc của cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền, phân cấp).

Hồ sơ khai miễn, giảm tiền sử dụng đất được gửi đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc cơ quan TN&MT đối với trường hợp hồ sơ nộp tại cơ quan TN&MT hoặc UBND cấp xã trong trường hợp hồ sơ nộp tại xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan thuế địa phương nơi có đất trong trường hợp chưa thực hiện cơ chế một cửa liên thông.

Nếu thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định nêu trên thì ông cần nộp hồ sơ đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc phòng TN&MT cấp huyện để được xem xét, giải quyết.

Thừa kế nhà ở

Bác tôi không có con, còn chồng thì đã mất cách đây bốn năm. Khi bác lâm bệnh nặng và mất trí nhớ, có một người cháu đã nhờ người làm di chúc để được hưởng một trong hai căn nhà của bác. Di chúc làm trong hoàn cảnh như thế có hợp pháp hay không? Trường hợp bác tôi không có di chúc thì tài sản của bác sẽ được xử lý như thế nào?

Trinh Thi Hằng (vuhai352@...)

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG trả lời: Theo Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản của người chết được chia thừa kế theo pháp luật.

Đối với trường hợp của người bác của bạn, nếu bà không có con; cha, mẹ, chồng của bà đều đã mất, thì di sản của bà được chia cho hàng thừa kế thứ hai (gồm có: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại) hoặc hàng thừa kế thứ ba (gồm có: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại).

Về nguyên tắc, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

TP ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm