Khai sinh sẽ không cần ghi “quê quán”

Theo quy định mới thì từ nay, biểu mẫu khai sinh không còn mục “quê quán”. Có thể ai đó không quan tâm lắm đến chi tiết này nhưng theo tôi đây thực sự là một điều chỉnh đáng ghi nhận.

Trước đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã từng có bài phản ánh về một trường hợp xung đột giữa người dân với chính quyền về việc ghi mục “quê quán”. Cụ thể, có người cha quê ở Bình Dương nhưng sinh ở TP.HCM và đang thường trú ở TP.HCM. Khi anh này sinh đứa con đầu thì phường cho ghi quê quán của con là TP.HCM (tức theo nơi sinh của cha). Đến khi có đứa con thứ hai thì phường lại buộc anh phải ghi quê quán của con là Bình Dương (tức theo quê quán của cha). Là anh em ruột với nhau, chẳng lẽ đứa quê quán TP.HCM, đứa quê quán Bình Dương?... Để khắc phục tréo ngoe này, Sở Tư pháp TP.HCM chấp thuận cho anh ghi giống như đứa đầu nhưng phường vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Không ai chịu ai khiến thằng bé mất mấy tháng trời vẫn chưa làm được khai sinh…

Khai sinh sẽ không cần ghi “quê quán” ảnh 1

Người dân và cán bộ đỡ phải “nhức đầu” khi bỏ mục ghi quê quán trong giấy khai sinh. Trong ảnh: Làm thủ tục hộ tịch tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM.Ảnh: HTD

Theo Nghị định 158/2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch), khai sinh dùng để xác nhận sự kiện sinh của một người, là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Trong khai sinh có ghi ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con. Việc ghi ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tên cha, mẹ rõ mười mươi là phải có (để có cơ sở phân biệt người này với người kia). Riêng đối với quê quán, có cần thiết phải ghi và nếu không ghi thì có làm khai sinh mất giá trị?

Theo đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1999, quê quán là “quê, nơi sinh trưởng, nơi anh em, họ hàng sinh sống lâu đời”. Nhưng đó là từ điển “nói”. Còn về phía các cơ quan chức năng đã không chính thức đưa ra lời giải thích nào. Quyết định 01 ngày 29-3-2006 của Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn việc ghi quê quán trong giấy khai sinh. Theo đó, quê quán của một người được ghi theo quê quán của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai thì ghi theo quê quán của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ thì để trống. Sau đó, Thông tư 01 ngày 2-6-2008 của Bộ Tư pháp cũng có cách hướng dẫn tương tự như trên về phần quê quán.

Từ giải thích trên của từ điển thì xét cho cùng, quê quán là nơi con người có sự gắn bó về mặt tình cảm, nơi có ông, bà, cha, mẹ… sinh sống để đi đâu xa cũng nhớ về chứ ít khi liên quan trực tiếp đến cá nhân. Do không có ý nghĩa trong việc quản lý công dân nên nhiều nước chỉ yêu cầu người dân khai trình về nơi sinh, quốc tịch, không cần khai quê quán.

Nếu lấy năm 2005 (thời điểm có Nghị định 158) làm mốc thì đến nay chúng ta đã có năm năm cắm cúi điền các thông tin vào mục “quê quán” trên khai sinh. Để rồi do không có cách hiểu chuẩn mà đã có không ít vụ rắc rối xảy ra mà vụ vừa nêu ở trên là một dẫn chứng. Xem ra quyết định bỏ mục “quê quán” là rất cần thiết, giúp dân và cả cán bộ đỡ phải “nhức đầu” với những nội dung mà có thì chẳng ích lợi gì nên tất nhiên không có cũng không sao. Mong rằng điều này cũng sẽ được tính đến đối với những loại giấy tờ hành chính khác.

TẤN NGHĨA (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm