Khoảng 30% lao động nước ngoài chưa có giấy phép

Đó là những thông tin được nêu ra tại cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền với người dân do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 19-12.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Chuyền cũng cho biết trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn phải cắt giảm các loại chi tiêu khác thì lĩnh vực an sinh xã hội không những không cắt giảm mà còn tăng lên. Đơn cử trong năm 2011, Chính phủ đã hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo khoảng 930 tỉ đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp; chi hơn 5.700 tỉ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, chi khoảng 3.500 tỉ đồng thực hiện chính sách miễn giảm học phí, chi 1.850 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo...

Hơn 76.300 DN ngừng hoạt động

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Bùi Văn Đệ (Đồng Nai) về thực hư việc báo chí thông tin năm 2011, có tới 40% các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động dẫn đến số lao động thất nghiệp gia tăng, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết:Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11-2011, số DN đã đăng ký là gần 610.000, số DN đã thu hồi chứng nhận đăng ký là hơn 76.300, chiếm khoảng 12,6% chứ không phải 40%. Tuy nhiên, theo bà Chuyền, trong số DN chưa phải thu hồi cũng có một số DN gặp khó khăn, có thể tạm dừng sản xuất.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Thứ nhất, làm sao để những người lao động này có việc làm ở nơi khác. Thứ hai, hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm ở chỗ khác, chẳng hạn như đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ Việc làm Quốc gia; chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để họ có thể tìm được việc làm mới; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp…” - bộ trưởng cho hay.

Khoảng 30% lao động nước ngoài chưa có giấy phép ảnh 1

Công nhân Trung Quốc uốn sắt trên công trường nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Đăng Nam

Siết quản lý người ngoài nước làm việc ở VN

Bạn đọc Lê Đức Thành (Ninh Bình) cho rằng trong khi nhiều lao động trong nước gặp khó khăn về việc làm hoặc thậm chí thất nghiệp thì tình trạng lao động phổ thông nước ngoài làm việc không phép tại VN vẫn có chiều hướng tăng. “Vấn đề này đã được dư luận cảnh báo nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Xin bộ trưởng cho biết thực trạng vấn đề này đến đâu và chủ trương giải quyết của Bộ?” -vị này ??t c?u h?i.đặt câu hỏi.

Được bộ trưởng giao trả lời câu hỏi khá thẳng thắn này, ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm, nói: Tính đến tháng 9-2011, ở VN có hơn 78.400 người nước ngoài làm việc, trong đó trên 41.500 người được cấp giấy phép. Số không thuộc diện được cấp giấy phép (tức là vào VN làm việc dưới ba tháng) là gần 5.600 người, số còn lại chưa được cấp giấy phép, đang làm thủ tục chiếm khoảng 30%. Lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn cao hầu hết làm việc cho các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại VN. Trong số này, phần lớn làm việc dưới ba tháng, không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Riêng tại Cà Mau có 1.600 người, đến nay hầu hết đã được cấp giấy phép và một số đang làm thủ tục.

“Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về người nước ngoài làm việc tại VN, trước hết là xây dựng Luật Việc làm. Đồng thời, chúng tôi đề nghị sớm xây dựng Luật Xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài làm việc tại VN; sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu quy định cụ thể vấn đề lao động từ khâu mời thầu, dự thầu, chấm thầu, thực hiện gói thầu các nhà thầu nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - ông Trung nhấn mạnh.

Sẽ xử lý “cò” thi tiếng Hàn

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc nhiều người do thiếu thông tin đã bị “cò” xuất khẩu lao động lừa đảo, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận đúng là có tình trạng trên. “Mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý tiếp nhận 15.000 lao động VN. Kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức nhưng có tới 67.000 người đăng ký. Do đó, một số cò mồi đã hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng tôi đang phối hợp cùng Bộ Công an xem xét, xử lý các cò mồi trong kỳ thi này” - bộ trưởng cho hay.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm