Không có cà phê vẫn được hỗ trợ tiền hạn hán

“Trước mắt phải giải quyết bức xúc của dân và hoàn thành việc cấp tiền hỗ trợ, sau đó sẽ xử lý trách nhiệm cụ thể cán bộ thực hiện nếu có sai phạm, đầu tiên là người đứng đầu địa phương”.

Ông Hà Xuân Minh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai), khẳng định như trên trước việc khoảng 200 hộ dân vừa kéo lên UBND xã Ia Din yêu cầu giải thích rõ vì sao tiền ngân sách hỗ trợ hạn hán lại người có người không, kẻ ít người nhiều…

Không kê khai vẫn được 2 triệu đồng

Theo ông Đinh Gia Hợp (thôn Thống Nhất), nhà ông có 2,3 ha cà phê, đợt hạn hán vừa qua vườn cây bị thiệt hại khoảng 70%. Thấy hàng xóm cũng bị vậy lại được Nhà nước hỗ trợ tiền nên ông lên xã hỏi thăm. Tuy nhiên, trong danh sách hỗ trợ không có tên ông.

Tương tự, ông Trần Danh Trọng cho biết: “Trước đó, cán bộ Hội Nông dân đã đến nhà kê khai thiệt hại 2,75 ha cà phê, yêu cầu tôi ký nhưng đến ngày xã phát tiền, tôi đến thì không có tên, thế mới kỳ”.

Ông Bùi Văn Trận (thôn Plang) dù là trường hợp được nhận tiền hỗ trợ hạn hán đợt này nhưng cũng thắc mắc vì ông không kê khai thiệt hại cho 1 ha cà phê nhà mình nhưng vẫn được nhận 2 triệu đồng. Theo ông Trận, việc này thật khó hiểu vì có người ở thôn Quyết Thắng được nhận hỗ trợ 3,2 triệu đồng/tám sào cà phê, một người ở thôn Đồng Tâm được nhận 10 triệu đồng/1,8 ha cà phê, có hộ được nhận 12 triệu đồng/3 ha cà phê…

Người dân còn cho hay có một ông không có tí đất cà phê nào nhưng vẫn được xã phát 2 triệu đồng tiền hỗ trợ đợt này trong khi nhiều người bị nạn thật thì lại không được gì.

Nhiều người dân phản ánh tiền ngân sách hỗ trợ hạn hán lại người có người không, kẻ ít người nhiều. Ảnh: LQL

Sẽ xử lý cán bộ vi phạm

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Minh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ, xác nhận có khoảng 200 hộ dân kéo lên UBND xã Ia Din để hỏi tiền hỗ trợ hạn hán, khôi phục sản xuất đợt 2. Qua kiểm tra việc hỗ trợ, địa phương thấy có sai sót trong quá trình kê khai.

Ông Minh cho biết đã ghi nhận trường hợp trưởng thôn Thống Nhất không có cà phê nhưng vẫn được nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ. Những người trong diện bị thiệt hại mà không có trong danh sách, huyện sẽ tổng hợp lại gửi lên tỉnh đề xuất giải quyết. “Ai không có cà phê mà được nhận tiền hỗ trợ thì huyện kiên quyết thu hồi. Sau đó sẽ xử lý các cán bộ sai phạm nếu có…” - ông Minh nêu quan điểm.

Theo ông Minh, xã Ia Din có gần 600 ha cây công nghiệp, tuy nhiên theo danh sách của cơ quan chức năng cung cấp thì toàn xã có hơn 209 hộ với hơn 164 ha bị ảnh hưởng do hạn hán. Căn cứ vào danh sách và mức độ thiệt hại, tỉnh đã duyệt chi gần 400 triệu đồng hỗ trợ dân khôi phục sản xuất. Mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ha đối với vườn cà phê bị thiệt hại 50%-70%, 30%-50% là 2 triệu đồng/ha, dưới 20% không được hỗ trợ.

Ông Minh nhìn nhận trong việc này, trừ một số người dân không chú ý kê khai thiệt hại thì cán bộ xã, thôn, làng khó thoát khỏi trách nhiệm bởi không bám sát tình cảnh người dân. Cụ thể là ông thôn trưởng phải nắm dân thật chắc, cán bộ địa chính, Hội Nông dân phải nắm rất rõ diện tích đất của từng người...

Lãnh đạo xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Trịnh Văn Thành đã ký công văn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện việc cấp phát kinh phí cho các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán đúng đối tượng, số lượng. Nếu phát hiện hoặc có phản ánh của dân về đối tượng, số lượng, diện tích liên quan đến kinh phí hỗ trợ hạn hán thì phải tổ chức kiểm tra, xác minh trước khi cấp phát. Mọi sự chậm trễ cũng như những sai sót trong việc cấp phát thì chủ tịch các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm