Không để sai phạm, tệ nạn tái diễn

“Phải suy nghĩ trách nhiệm của người đứng đầu địa bàn, phải giải mã cái này chứ bảo không biết, không nghe, không thấy là không được. Đồng thời phải xử lý nghiêm cán bộ và những cá nhân khác sai phạm…”. Nhiều bạn đọc đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (xem thêm bài “TP.HCM: Xử lý rốt ráo ba vấn đề nóng” gồm xây nhà trái phép, tệ nạn xã hội và vệ sinh an toàn thực phẩm, Pháp Luật TP.HCMngày 2-8).

Phải làm tới cùng, không để tái diễn

Tôi rất đồng tình với sự quyết liệt của người đứng đầu chính quyền TP trong việc xử lý các vấn đề nóng bỏng, liên quan trực tiếp đến đời sống và môi trường văn hóa của người dân TP hiện nay. Điều người dân TP mong hơn nữa là sự quyết liệt đó phải được làm tới cùng, không để xảy ra chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Mặt khác cũng phải kiên quyết xử lý những vấn đề sai phạm của cán bộ. TP phải có biện pháp để khóa những lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như giám sát chặt hơn cán bộ các cấp của mình để không còn tái diễn tình trạng trên trong tương lai.

Xoay quanh chuyện xử lý tình trạng xây nhà không phép, trái phép ở một số quận, huyện trên địa bàn TP, đúng như ông chủ tịch UBND TP nói là “rất đau lòng”. Đau lòng vì người dân cho hay tình trạng ấy sở dĩ diễn ra như thế là do con sâu tiêu cực đã luồn vào trong hệ thống cán bộ, làm vô hiệu hóa bộ máy của chúng ta, vô hiệu hóa những công cụ quản lý xã hội trong một thời gian dài mà không hiểu vì sao ta lại không thấy. Đau lòng vì khi tiến hành biện pháp hành chính để tháo dỡ hàng trăm căn nhà nhằm đảm bảo kỷ cương phép nước thì đã làm thiệt hại không ít tiền bạc của người dân và xã hội. Đã đến lúc vì cái đau lòng ấy mà ta phải xát muối, không nhân nhượng trị đến cùng những ung nhọt. Có như thế mới mong lấy lại niềm tin của người dân đối với chính quyền. TP cũng cần có một hướng mở, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được có nhà để sinh sống và được an tâm sống trong căn nhà của mình.

TS LÊ VĂN IN (Chuyên gia hành chính)

Không để sai phạm, tệ nạn tái diễn ảnh 1

Các nhà hàng Hương Xuân số 13, Long Hoàng số 15 (đường Bùi Đình Túy, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đóng cửa nghỉ. (Ảnh chụp ngày 2-8) Ảnh: XUÂN NGỌC

Có kiên quyết mới xóa được sai phạm

Gần đây, nhiều tệ nạn, sai phạm được chỉ mặt đặt tên gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, lý giải cho nguyên nhân này những người có trách nhiệm luôn đổ lỗi cho những người vi phạm nào là không ý thức, có tiền án, tiền sự, lười lao động… mà ít ai tự nhận một phần lỗi về mình.

Theo tôi, một khi luật pháp không nghiêm, giơ cao đánh khẽ thì lâu ngày nó sẽ trở nên lờn mặt. Trong thực tế, một ai đó đổ một vài xe cát thì vài giờ sau là có thanh tra xây dựng xuống kiểm tra xét hỏi; nếu chủ nhà biết điều thì tiếp tục thi công, còn không thì bị xử lý. Vậy mà khi hàng trăm căn nhà xây không phép thì địa phương lại bảo không biết. Rất vô lý. Xin lưu tâm là đã có một vị lãnh đạo nói rằng: “Báo chí, người dân họ đâu có học nghiệp vụ điều tra mà họ vẫn biết được trong khi công an thì nghiệp vụ đầy mình mà không tìm ra cái gì hết”.

Ở nước ngoài người dân rất sợ vi phạm pháp luật, không có cái trò năn nỉ, không có cái trò cưa hai tiền phạt. Luật pháp nghiêm minh nên ai cũng chấp hành một cách tự giác và giúp nhau không vi phạm.

Theo tôi, để chấm dứt tình trạng xem thường pháp luật, chúng ta phải mạnh tay cách chức, sa thải, thậm chí xử lý hình sự những người không hoàn thành nhiệm vụ, bảo kê, tiếp tay… cho những người vi phạm. Chúng ta cứ than vãn là khó quá, không thể giải quyết được… thì xã hội loạn mất.

DƯƠNG VĂN KIỆT (N.35 cư xá Phú Lâm A, quận 6, TP.HCM)

Quyết liệt và phải xuyên suốt

Rất hoan nghênh chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý tình trạng xây nhà không phép, trái phép. Vấn đề là ở chỗ xử lý kỷ luật như thế nào? Cụ thể cán bộ nào? Đó chính là câu trả lời mà người dân mong chờ và theo dõi. 

NGÔ KIM DUNG (dungngokim1@...)

Rất mong lãnh đạo TP duy trì tính quyết liệt, chỉ đạo xuyên suốt, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

HUỲNH KIM NGÂN (luatsuchanthienmy@...)

Các điểm nhạy cảm đóng cửa

Ngày 2-8, chúng tôi trở lại những nơi trước đây được xem là điểm nóng về tệ nạn ở các phường 26, 25…, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Các điểm kinh doanh nhà hàng có dịch vụ nhạy cảm như Kim Kim Tiến số 16, Phương Sơn số 18, Tiến Kim Tiến số 20, Hương Xuân số 13, Long Hoàng số 15 (đường Bùi Đình Túy), Phi Long, Bình Nguyên… đều đã đóng cửa, tháo bảng hiệu. Tại đường Đinh Bộ Lĩnh - nơi nổi tiếng về hớt tóc, gội đầu “thư giãn”, hầu hết đã không còn hoạt động. Quán Mưa Hồng, Thanh Thanh Bình, Thiên Thanh, Hương Lúa, Quê Hương (đường D5); các tiệm hớt tóc “nhạy cảm” như Việt Anh,Thiên Hương (đường D2), Trúc Kim Hiền, Đạt Thắng (đường Ung Văn Khiêm), Tấn Tài (đường D1), Trang Anh (đường D5)… đã tháo bảng hiệu nghỉ kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đặng Thanh Tâm, Trưởng Công an phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết phường đã tổ chức lực lượng chia làm nhiều đợt kiểm tra các cơ sở vào sáng, trưa, tối. Đến ngày 30-7, tất cả 10/10 nhà hàng, quán ăn, 13/13 điểm hớt tóc “nhạy cảm” đã tháo bảng hiệu, đóng cửa, thanh toán tiền mặt bằng với chủ nhà để nghỉ. Các điểm kinh doanh khác như karaoke, nhà nghỉ… dù không có tiếp viên nữ, không thuộc diện dễ phát sinh tệ nạn nhưng phường cũng đã tuyên truyền, tổ chức cho chủ cơ sở cam kết không để xảy ra tệ nạn tại cơ sở.

Bà Lê Thị Bích Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết quận vẫn đang ráo riết thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm, tập trung kiểm tra xử lý triệt để các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn quận. Công việc này sẽ được tiến hành thường xuyên chứ không chỉ trong đợt cao điểm để đẩy đuổi tệ nạn, chuyển hóa địa bàn… tiến tới xóa trắng tệ nạn trên địa bàn. Đặc biệt quận sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.

LƯU NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm