Không Hàn lưu Kpop thì cũng Xpop, Ylưu

Không Hàn lưu Kpop thì cũng Xpop, Ylưu ảnh 1

Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc T-ara vừa sang Việt Nam biểu diễn

Đã lâu lắm rồi người ta mới đọc được một cuộc tranh luận khá thẳng thắn giữa hai thế hệ, mà lại được diễn ngôn bằng thơ! Nhà thơ Đỗ Trung Quân, có lẽ tích tụ những nỗi bức xúc lâu ngày với sự “khuất nhục” của giới trẻ, đã “phát pháo” bằng bài thơ hơi mang giọng điệu răn dạy đối với các “fan cuồng” Hàn lưu: Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất. Không vừa, một đại diện của phía hâm mộ Kpop đối đáp bằng bài thơ khá đốp chát: Tôi cũng chỉ nói một lần này thôi nhé!...

Quan sát những cuộc tranh luận rôm rả trên mạng suốt cả tuần qua sau hai bài thơ này, có thể thống kê sơ bộ rằng đa số những người đứng về phía nhà thơ Đỗ Trung Quân ở thế hệ 8x đổ về trước, còn những người ủng hộ quan điểm của cô gái đại diện người hâm mộ Hàn lưu là thế hệ 9x trở về sau. Một cuộc tranh luận tưởng chừng rất thời sự dường như cũng vẫn là vấn đề muôn thuở giữa các thế hệ: sự mâu thuẫn trong quan niệm thẩm mỹ. Thử hỏi có bao giờ thế hệ đi trước không nhìn nhận thế hệ trẻ là không ấu trĩ, bốc đồng, cạn cợt, nông nổi; và thế hệ sau không nhìn thế hệ trước như những con người thủ cựu, hoài cổ?

Điểm lại các trào lưu văn nghệ từ những năm 60 của thế kỷ trước cho đến nay, có lẽ chỉ có hai trào lưu ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ nước mình: hippy thế kỷ trước và Hàn lưu hiện nay. Sự khác biệt giữa hai trào lưu này, là nếu thế hệ hiện sinh được “chống lưng” bởi một chủ thuyết triết học thì thế hệ Hàn lưu dường như chỉ là những mốt thời trang của một thứ văn hoá bình dân (đã gọi là pop, nghĩa là đại chúng mà).

Thế nhưng có lẽ nếu không là Hàn lưu, Kpop thì cũng sẽ là “một cái gì lưu hay pop”, vì tuổi trẻ khó có thể không có thần tượng, giống như một trong những triệu chứng của “cơn sốt” tuổi trưởng thành. Hàn lưu được chuộng, không phải chỉ ở giới trẻ, có lẽ vì đất nước Hàn Quốc đang là một mẫu hình văn hoá của sự phát triển mà người dân các nước chậm phát triển ở Đông Á ao ước tiệm cận.

Và có lẽ cũng cần công bằng khi nhắc lại một điều với thế hệ hippy ngày trước: dù có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh mà xem cuộc đời như những “bản thảo” cực kỳ cá lẻ, các tín đồ đó, theo triết gia R. D. Precht, lại giống nhau đến kinh ngạc! Họ cũng cùng mặc một bộ đồ đen u sầu, đi lại giữa phòng nhạc jazz dưới hầm, trong giảng đường, rạp phim và quán càphê, đến không thể lầm lẫn với ai được, vì họ cũng phục tùng thời trang…

Theo Đoàn Đạt (SGTT.VN)

(*) Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) là tên bắt nguồn từ cách gọi của một số nhà báo ở Bắc Kinh về sự nổi tiếng nhanh chóng của Hàn Quốc và các sản phẩm nước này tại Trung Quốc, hiện được dùng để chỉ sự nổi tiếng của văn hoá Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm