Không khỏe nổi vì đường phố ngập rác

Từ câu chuyện phố đi bộ Nguyễn Huệ bị “tấn công” bởi rác thải và hàng rong đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 28-12, rất nhiều bạn đọc đã gửi phản ánh, bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn rác thải ở đô thị. Điều khó chấp nhận là TP.HCM là đô thị hiện đại, văn minh bậc nhất cả nước nhưng người dân lại quá coi thường vấn đề rác thải. Đáng lo hơn, tác hại của hành vi xả rác bừa bãi đến tinh thần, sức khỏe và những vấn đề về lâu dài với con người hầu như chưa được quan tâm hay chỉ ra một cách cụ thể.

Tôi từng xả rác

Với một số người, vứt rác là hành động gần như vô thức, có rác thì vứt kể cả đang ở trong sân nhà mình. Một số khác do ngoài đường là của thiên hạ nên dơ hay sạch không quan tâm. Một lần tôi đành phải xả rác vì không tìm được thùng rác, mà gói rác lại rồi đi tìm bằng được cái thùng thì hơi quá. Tựu chung lại, tôi thấy người ta xả rác vì có xả cũng không sao cả, không ai bị phạt vì một mẩu bánh.

Ở nhiều nước, thùng rác có ở mọi nơi và để xóa được thói quen xả rác, trong nhiều chục năm liền người ta phải kết hợp chặt hai biện pháp là giáo dục và xử phạt. Nếu nước ta vẫn thả nổi như bây giờ thì người không xả rác phải là người cực kỳ tự giác và tự trọng, họ làm điều đúng, điều tốt ngay cả khi không có ai nhìn. Việc ấy nói chung là khó đòi hỏi được ở một đám đông.

Trần Khánh Linh (Quận Gò Vấp)

Ý thức phải được rèn luyện từ nhỏ

Việc xả rác bừa bãi như một căn bệnh phải được chữa trị. Lý do lớn nhất chính là tính tự giác, nói cách khác là ý thức môi trường của người dân còn kém. Dù quy định về xử phạt có nhưng thực thi lại không dễ vì lực lượng chức năng quá mỏng.

Giải pháp trước hết là nâng cao ý thức con người, đây là điều phải hình thành ngay từ nhỏ. Ví dụ, khi dẫn trẻ đi chơi công viên, lúc cần bỏ rác người lớn hãy hướng dẫn trẻ bỏ vào thùng rác; người lớn không xả rác trước mặt trẻ..., lâu dần như vậy trẻ sẽ hiểu không được bỏ rác tùy tiện. Hãy bắt đầu từ những việc thiết thực nhất. Ở các nước tiên tiến, người ta thấy xả rác là rất kỳ lạ vì xung quanh họ không ai làm thế cả.

Một chuyên gia tâm lý xã hội

Người xả, người hốt. Chuyện thường ngày dễ nhìn thấy tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Rác thải mang nhiều mầm bệnh

Rác thải xả ra bên ngoài lâu ngày không dọn không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua hai đường chính là vật trung gian như ruồi, muỗi, gián… và qua không khí.

Những loại côn trùng là trung gian truyền cơ học nhiều mầm bệnh vi sinh vật từ những nơi ô nhiễm đến người và các thức ăn của người. Đa số các mầm bệnh do chúng truyền đều nhiễm trực tiếp qua đường thức ăn, nước uống, không khí, tay và sự tiếp xúc giữa người và người. Những căn bệnh này rất dễ nhiễm như kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn, tả, một số bệnh giun sán, da liễu. Ngoài ra, một số khí thải từ rác nếu hít vào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

BS Nguyễn Khắc VuiPhó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn

Vừa phạt vừa vận động người dân

Để giảm bớt tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác làm mất vệ sinh môi trường, các địa phương phải kiên quyết trong xử lý vi phạm. Trước tiên, tăng cường vận động người dân tham gia vào tổ rác dân lập. Những nơi công cộng thì giao khu phố kết hợp với đơn vị quản lý bố trí thùng rác, thường xuyên nhắc nhở người dân để rác đúng nơi quy định.

Về mặt quản lý nhà nước, phải kiên quyết xử phạt nếu phát hiện vi phạm. Theo Nghị định 155/2016, hành vi xả rác sẽ bị phạt nặng hơn trước rất nhiều. Hiện nay quận Gò Vấp cũng đang thực hiện theo quy định này và thấy có hiệu quả. Cạnh đó, quận tăng cường dọn dẹp, tổng vệ sinh trên địa bàn. Về tâm lý chung, nếu thấy nơi nào có rác là dân sẽ xả theo và ngược lại, nếu giữ được môi trường sạch đẹp thì tình trạng này cũng sẽ hạn chế.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

Những kiểu xả rác gây “giật mình”

“Một lần tôi suýt chết vì đang chạy xe thì bất ngờ xe phía trước vứt ra cả một trái dừa to tướng, lăn lông lốc trên đường” Thanh Mai.

“Cứ xong một buổi lễ, đêm diễn văn nghệ, hội thao là y như rằng khán đài đầy giấy lót ngồi bay tá lả” Thái An.

“Tôi bắt gặp một đứa bé đi từ bên này qua bên kia ngã tư, liên tục xả rác ra đường cả chục lần, từ bịch nylon, vỏ hộp, giấy gói… cho đến khi cầm tới cái bánh” - Hoàng Hà.

“Tôi từng bị văng miểng vì người ngồi trên xe buýt, ô tô thản nhiên vứt bịch nước, hộp giấy, thậm chí là… túi nôn xuống đường. Quá hãi hùng!” - Anh Tuấn.

“Không hiểu các bạn trẻ lãng mạn chỗ nào khi vừa đút cho nhau ăn xong đã vứt cái bẹp chiếc hộp dính đầy tương ngay dưới chân mình” - Minh Soa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm