Không kính thầy, cha mẹ khó dạy con

Nghe tôi hỏi chuyện học hành, người cha tuôn ra một tràng: “Học hành gì thứ nó, chỉ làm tốn cơm áo cha mẹ. Học lì hai năm lớp 11 không chịu lên lớp, học kỳ một vừa qua bị xếp loại học lực yếu và hạnh kiểm yếu. Đã vậy còn mê chơi, hở một chút là con nhỏ chủ nhiệm mắng vốn, mấy thằng bộ môn gọi điện thoại đến than phiền…”.

Cách nói năng của người bạn làm tôi hết sức bất ngờ. Nếu thực sự mong muốn con mình học hành nên người, sao anh ấy lại có thể dành cho thầy cô của con những lời lẽ khiếm nhã như thế?

Rồi tôi sực nhớ những vụ không hay tương tự có liên quan đến thái độ, hành vi ứng xử của phụ huynh. Cuối tháng 10-2009, bị cô giáo của một trường cấp hai TP Kon Tum nhắc nhở về việc vi phạm của con mình, người cha đã đáp trả quá đáng bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Chưa hết, người mẹ còn xông vào lớp, vừa đập tay xuống bàn, vừa chỉ tay vào mặt cô giáo để sỉ vả, thách thức, rồi tát thẳng vào mặt cô giáo trước mặt 44 học sinh của lớp. Tiếp nữa, cuối tháng 11-2009, một người đàn ông đã đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuy Hòa, Phú Yên), xông vào phòng học hành hung cô giáo đang dạy và đánh thầy hiệu phó v.v… Dẫu xuất phát từ nguyên nhân nào thì các cách xử sự thiếu văn hóa nêu trên của các phụ huynh đều là tối kỵ, không nên và không được phép làm.

Không kính thầy, cha mẹ khó dạy con ảnh 1

Chính phụ huynh là người góp sức vun bồi truyền thống tôn sư trọng đạo. Ảnh: HTD

Trước đây, con trai lớn của tôi học lớp 5 có nhờ tôi chỉ dẫn một bài toán đố. Qua hôm sau, cháu gửi đến tôi câu hỏi: “Tuy cho ra đáp số trúng nhưng cách giải của cha khác cách giải của cô. Vậy cách của ai đúng?”. Lấy bài giải của cô giáo coi lại thì tôi thấy cách giải đó dài dòng hơn. Sau một chút đắn đo, tôi đáp: “Cách giải của cha cũ rồi, con nên theo cách giải của cô giáo”. Thằng bé cười ra vẻ rất tự hào về cô giáo của mình.

“Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Không dám phê phán người bạn nhưng tôi cho rằng cha mẹ phải luôn làm gương tốt cho con thông qua lời ăn tiếng nói, cách cư xử… để góp phần hình thành nhân cách cho con sau này. Theo thời gian, cái tốt xấu, đúng sai… sẽ được trẻ ghi nhận, lĩnh hội rõ ràng và đến lúc thích hợp sẽ được trẻ thể hiện thành hành động, thói quen. Người có nhiều thói quen tốt là người có nhân cách tốt và ngược lại.

LƯU KIM NHẬT (255/6C/13 Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh)

Gián tiếp làm xấu mình

Việc tỏ thái độ thiếu tôn trọng thầy cô từ các bậc cha mẹ luôn để lại rất sâu sắc những dấu ấn không tốt trong tâm lý người trẻ. Nói cách khác, thầy cô của các trẻ cũng phải được những người làm cha mẹ kêu bằng thầy cô. Khi xúc phạm thầy cô, cha mẹ đã làm mất niềm tin và gián tiếp làm hình ảnh của mình xấu đi trước con cái. Mối quan hệ thầy trò trở nên không hay và truyền thống tôn sư trọng đạo cũng vô tình bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm