Không nên đẻ ra phí mới!

LTS: Ở bốn số báo trước, nhiều bạn đọc và các chuyên gia đều có ý kiến không đồng tình về tình trạng phí chồng phí trong lĩnh vực giao thông. Hôm nay, chúng tôi xin tạm kết thúc diễn đàn bằng đề xuất: Trong điều kiện thực tế hiện nay, trừ phí sử dụng đường bộ đã có trong Danh mục phí và lệ phí năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không nên bổ sung thêm loại phí mới trong lĩnh vực giao thông.

Ông HUỲNH THÀNH LẬP, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM:

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Theo tôi, lập luận “thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để kéo giảm tai nạn giao thông” là không thuyết phục, không khả thi và không đi vào nguyên nhân chính gây ra ùn tắc, tai nạn. Trước mắt, việc thu thêm khoản phí này có nghĩa là tăng thêm gánh nặng cho người dân. Do nhu cầu đi lại, làm ăn nên dù có phải đóng phí thì người dân vẫn cứ sử dụng xe cá nhân. Về nguyên tắc, người nộp phí phải nhận được một quyền lợi tương ứng, vậy đóng thêm phí người dân có được hưởng gì?

Để giải quyết ùn tắc, kéo giảm tai nạn giao thông thì Nhà nước phải triển khai đồng bộ các giải pháp, có thời gian, có bước đi và phải giải quyết từ gốc chứ không phải từ ngọn. Vấn đề hiện nay là diện tích mặt đường dành cho giao thông ít nhưng lượng xe hằng năm liên tục tăng dẫn đến hạ tầng bị quá tải. Những người làm công tác quản lý nhà nước cần giải quyết tổng thể: cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông, nâng ý thức người tham gia giao thông, tăng cường quản lý nhà nước, xử lý những phát sinh từ việc cấp bằng lái, kiểm định xe, mức chế tài… Muốn có văn hóa giao thông thì ngoài giáo dục còn phải có các biện pháp răn đe mạnh và bên cạnh đó là sự gương mẫu chấp hành của cán bộ, công chức.

ĐBQH HOÀNG HỮU PHƯỚC (Đoàn TP.HCM):

Tôi không nghĩ UBTVQH sẽ tán đồng

Cách đây 20 năm, khi qua Thái Lan tôi đã thấy họ xây dựng các tuyến đường, cầu vượt ở ngoại ô như hiện nay chúng ta đang làm. Điều này cho thấy từ rất lâu người ta đã tính đến việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để tìm lối ra căn cơ cho vấn nạn giao thông. Sau đó nữa thì họ phát triển thêm nhiều mạng lưới giao thông hiện đại để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế luôn trên đà tăng trưởng.

Không nên đẻ ra phí mới! ảnh 1

Việc thu thêm khoản phí hạn chế phương tiện giao thông làm tăng thêm gánh nặng cho người dân.Ảnh: HTD

Tôi không tin mục đích thu phí để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông mà Bộ GTVT giải trình sẽ đạt được. Khi người dân than thở phải đóng quá nhiều phí thì có thể Bộ sẽ suy nghĩ lại. Nhưng nếu Bộ vẫn quyết định thu thì người dân sẽ bỏ tiền ra đóng vì chiếc xe là phương tiện sinh nhai của nhiều người. Rốt cuộc thì con đường không mở rộng ra được trong khi lưu lượng xe vẫn đông như thế.

Theo tôi, phí này không phục vụ một loại dịch vụ nào cho người tham gia giao thông. Thực chất của phí này là để người dân có xe được tham gia giao thông. Thế nhưng để được đi trên đường thì người dân đã phải đóng phí sử dụng đường bộ rồi. Với việc phí chồng phí này, tôi không nghĩ là các ĐBQH sẽ tán đồng.

Đối với phí ô tô đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm, tôi cho rằng những người đã có tiền mua ô tô riêng thì việc đóng phí cũng không thành vấn đề. Nhưng trên bình diện chung phí này sẽ làm tăng giá cước vận chuyển, giá thành hàng hóa. E rằng cái mất lại nhiều hơn cái được.

Th.S NGUYỄN THỊ TÂM, GV khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn:

Rà soát để tránh tận thu

Hiện nay xe cá nhân vẫn là loại phương tiện giao thông cơ động nhất, phù hợp nhất, dễ di chuyển và đáp ứng được nhu cầu, mức sống trung bình của đa số người dân. Do vậy, nó là sự lựa chọn không thể khác hơn của đông đảo người dân từ TP.HCM đến các tỉnh, thành khác trong cả nước. Lựa chọn này dựa trên thực tiễn và sống cùng với thực tiễn, nó gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và nếu có thu phí thì số đông cũng phải lựa chọn nó.

Liệu thu phí có hạn chế được xe cá nhân khi phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân? Nói như vậy để thấy rằng không nên dồn người dân vào một góc và chỉ có một lối ra là phải đóng phí rồi mới được đi.

Bộ cũng chưa đưa ra cơ sở về mức đề xuất thu và các cam kết về hiệu quả mà việc thu phí này mang lại (dự kiến giảm ùn tắc trong bao lâu, như thế nào...). Chưa kể, dự thảo còn bất cập ở chỗ là thu phí theo đầu xe liệu có tạo ra sự công bằng trong khi giá trị của các xe khác nhau, thời gian lăn bánh, sử dụng cho các mục đích khác nhau cũng như việc sử dụng xe từng khu vực cũng khác nhau. Một sinh viên sử dụng xe đi học phải khác với người chạy xe ôm và người chuyên vận chuyển hàng hóa… Như vậy, thu cào bằng có tạo ra bất công? Hơn nữa, phí thì thu một lần trong khi xe phải chạy cả năm, liệu việc thu phí trước có ổn hay không?

Nên chăng, cái cần làm bây giờ là Bộ GTVT tổ chức khảo sát toàn bộ các loại phí mà người sử dụng phương tiện giao thông đang phải đóng. Qua đó, tổng kết đánh giá đóng phí vậy nhiều hay ít, có hiệu quả, khoa học chưa, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chưa. Bấy giờ, Bộ sẽ đề xuất thêm hay bớt các loại phí, có nên tăng mức phí hay không và tăng, giảm loại nào? Quan trọng là công việc này cần được làm một cách minh bạch, rõ ràng; có kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Thêm một lưu ý nữa là ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… nên có những loại phí riêng, đặc thù, khác với các địa phương khác trong cả nước. Bấy giờ mới tránh được việc cào bằng phí dẫn đến thiếu công bằng giữa các địa phương với nhau.

Ai có quyền quyết định thu phí?

Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, Nghị định 57/2002, 24/2006 của Chính phủ thì có rất nhiều cơ quan được quyền quyết định việc thu phí:

- UBTVQH có quyền ban hành danh mục phí, lệ phí.

- Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên đồng thời có quyền quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế-xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho bộ, cơ quan ngang bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

- HĐND cấp tỉnh có quyền quy định đối với một số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

- Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Theo đó, đối với phí sử dụng đường bộ, do là loại phí ở lĩnh vực giao thông vận tải nằm trong danh mục phí, lệ phí của UBTVQH nên Chính phủ có quyền ban hành nghị định về việc thu (và thực tế là Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2002 lập quỹ bảo trì đường bộ để thu phí này). Nhưng đối với phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm TP lớn giờ cao điểm, Chính phủ có quyền tự ban hành hay phải trình UBTVQH xem xét để bổ dung danh mục phí, lệ phí? Nếu chiếu theo các quy định trên thì Chính phủ làm kiểu nào cũng đúng (!). Vừa rồi, nhiều ĐBQH đã đề nghị Quốc hội phải có ý kiến về việc thu hai loại phí này nhưng chưa rõ UBTVQH sẽ tự quyết hay để cho Chính phủ quyết định. Tất nhiên, dư luận muốn UBTVQH “vào cuộc” để có những cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn xuất phát từ lợi ích của số đông.

Có lẽ qua vụ này Quốc hội cũng nên xem xét để sửa đổi Pháp lệnh Phí và lệ phí theo hướng thu hẹp các cơ quan có quyền ban hành phí, lệ phí để tránh tình trạng chồng chéo, không đồng bộ.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

N.NAM - K.PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm