Không nhà, thiếu bảo lãnh: ‘Tắc’ CMND, hộ khẩu

Tại TP.HCM, nhiều trường hợp việc nhập hộ khẩu, có được CMND (thẻ căn cước công dân) là vô cùng nan giải.

Khá nhiều hoàn cảnh

Năm 2015, báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài Mẹ mất, cha làm khai sinh con ra sao?”. Sau đó, Công an TP.HCM đã chỉ đạo tạo thuận lợi cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhập hộ khẩu và được cấp giấy CMND trên cơ sở đơn cam kết của cha hoặc mẹ rằng trẻ được sinh ra tại TP.HCM và khi sinh ra đến nay chưa được đăng ký hộ khẩu ở bất cứ nơi nào.

Vậy nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ không hộ khẩu và không giấy CMND do cha mẹ không có nhà, không có người bảo lãnh nhập hộ khẩu.

Cháu Nguyễn Ngọc Phương, sinh năm 2007, tạm trú quận 7, cha, mẹ không đăng ký kết hôn. Khi sinh ra Phương, do gia đình khó khăn nên người mẹ trốn bệnh viện, không có giấy chứng sinh. Giờ đây, người mẹ cũng bỏ đi biệt tích. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM (trung tâm) đã hỗ trợ đăng ký khai sinh cho cháu. Tuy nhiên, đến phần đăng ký hộ khẩu thì không được do cha cháu Phương là người thành phố nhưng đã bị xóa hộ khẩu, đến nay không có người bảo lãnh nhập hộ khẩu.

Trường hợp gia đình của ông Đặng Nhật Phát, có bốn người con và cháu ngoại (bị bệnh dị tật bẩm sinh, úng thủy não) thì cả năm người đều không có khai sinh. Trung tâm đã hỗ trợ đăng ký khai sinh nhưng lúc đăng ký hộ khẩu thì gia đình chỉ còn sổ hộ khẩu mà không có nhà, do ông cha mẹ ông Phát đã bán. Công an TP.HCM đã xin ý kiến Bộ Công an, chỉ đạo cho các quận, huyện thụ lý và giải quyết nhập hộ khẩu cho các trẻ em có hoàn cảnh tương tự. Tuy vậy, trong các con cháu của ông Phát có hai người trên 18 tuổi nên đến nay vẫn không có hộ khẩu.

Tại quận 5, em Phạm Ngọc Hiến, sinh năm 1998 có cha bỏ đi, mẹ lấy chồng khác, bản thân của em không có giấy CMND do không có nơi ở hợp pháp (ở nhà thuê, chủ nhà không bảo lãnh).

Trong số năm người con, cháu trong gia đình ông Đặng Nhật Phát, hiện còn hai người không được đăng ký hộ khẩu. Ảnh: NH

Tin học hóa dữ liệu quốc gia

Ngành công an đã được giao làm tư lệnh, chủ trì quản lý dữ liệu quốc gia về công dân và cấp thẻ căn cước công dân. Để công dân có được giấy CMND (thẻ căn cước công dân), hộ khẩu nhằm thực hiện và bảo đảm các quyền lợi của mình, từ các trường hợp vướng mắc nêu trên tôi đề nghị giải pháp như sau:

• Một là, cấp giấy CMND (thẻ căn cước công dân) cho mọi đối tượng mà không cần lệ thuộc vào có hộ khẩu. Dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý, nếu cấp trùng thì sẽ phát hiện ngay và nếu lỡ cấp thì thu hồi. Đã thống nhất trong toàn quốc thì không thể có sự trùng lắp tên, họ, ngày tháng năm, sinh, nơi sinh, họ tên cha, mẹ…; người dân cũng không có lý do gì đã được cấp lần 1 ở thành phố A lại chạy đến tỉnh H để xin cấp lần 2.

• Hai là, về lâu dài nên tính tới việc cấp sổ hộ khẩu điện tử và thống nhất giải pháp cho phép nhập hộ khẩu đối với các trường hợp  đặc biệt khó khăn, kể cả đối với người đã thành niên. Việc cấp sổ hộ khẩu không phải là vấn đề quá to tát như trước đây, không còn dùng để được phân phối tem, phiếu, gạo, đường… mà để quản lý con người. Việc thực hiện tổng điều tra dân số trong toàn tỉnh, thành phố (cả thường trú và tạm trú) cần được thực hiện chính xác và nghiêm túc để nắm bắt nguồn nhân lực, quản lý được số dân, lý lịch.Điều này vừa kịp thời ngăn ngừa được tội phạm từ địa phương này qua địa phương khác mà cơ quan chức năng không rõ nhân thân, lý lịch, lại vừa tháo gỡ được những vướng mắc tương tự các trường hợp nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm