Không thể nhân danh nghèo để phôtô, xài chùa giáo trình

Tôi học ĐH những năm 90 của thế kỷ trước.

Thời đó nhà tôi cũng nghèo như bao gia đình khác. Khi tôi học ĐH, ba mẹ tôi đã về hưu, cả nhà bốn người chúng tôi chỉ sống bằng những đồng lương hưu của ba má và ít hoa lợi ở vườn nhà. Thế nên tôi hiểu, để có đủ tiền đóng học phí và cả tiền mua giáo trình, đó không phải là chuyện dễ như trở bàn tay.

Nhưng tôi dứt khoát không phôtô giáo trình để học mà tôi luôn chọn mua giáo trình. Thậm chí, có những cuốn giáo trình ở nơi tôi học không có, tôi phải nhờ bạn bè, anh chị quen ở Sài Gòn mua rồi gửi bưu điện về quê cho tôi học.  

Tiền đâu để tôi mua giáo trình? Tiền học phí ba má tích cóp cho tôi. Riêng tiền mua giáo trình, tôi đi làm thêm, tiền của ba má, người thân cho tôi, tôi để dành và tôi không tiêu xài gì nhiều cho nhu cầu của cá nhân. Con gái hay điệu đà, chải chuốt, quần này áo kia. Thôi thì đành gác lại để dành trang trải việc học, trong đó có mua giáo trình cho cả bốn năm học.

Mặt khác, cầm những quyển giáo trình được in ấn đàng hoàng, bắt mắt, thơm mùi giấy mới, cảm xúc tôi dâng trào. Lật từng trang giáo trình là những bài học mở ra những chân trời mới, những kiến thức mới. Bao cảm xúc đến với tôi khi tôi học với giáo trình. Trong khi đó, một số môn học chưa có giáo trình, chỉ là những tài liệu của thầy cô cung cấp, chưa in thành sách, sinh viên bắt buộc phải phôtô, tôi cầm học mà lòng lạnh nhạt. Vì nó chỉ là màu trắng đen, xấu xí, có lúc còn mực lem nhem, khó có thể kích thích cho tôi những bài học trọn vẹn.

Và một điều quan trọng là vấn đề bản quyền. Mang một cuốn giáo trình, với bao công sức của các thầy cô, nghiên cứu trong bao năm ròng mới viết, mới chắt lọc ra, rồi đi phôtô thì khác nào là hành vi ăn cắp!

Tôi ví dụ, một cuốn giáo trình 300 trang, có giá khoảng 100.000 đồng. Bạn phôtô, mỗi trang 200 đồng, thì cuốn giáo trình khoảng 60.000 đồng, có quá chênh lệch để phải làm như thế không?

Tôi đồng ý trong vài trường hợp, cần tham khảo tài liệu, chúng ta có thể phôtô một hai chương trong cuốn giáo trình để bổ sung kiến thức chứ không thể nhân danh sự khó khăn, thiếu thốn mà ngang nhiên phôtô cả một cuốn giáo trình và thản nhiên học như vậy, nhất là khi bạn là sinh viên ĐH Luật!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.