Không thể so “ủy quyền” với “cò”

Trong thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ rõ rệt, hầu hết cơ quan nhà nước đã thay đổi quan điểm làm việc tích cực trong việc giải quyết hồ sơ của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn thường chậm trễ giải quyết hồ sơ đăng ký nhà, đất của dân. Phát biểu trên tờ báo địa phương, ông Phan Hùng Thanh (Giám đốc văn phòng trên) cho biết: Thời gian qua có sự chậm trễ là do số lượng đơn quá lớn trong khi biên chế của đơn vị có hạn... Mặt khác, có tình trạng người dân đưa hồ sơ cho người khác đi làm thay nên khi có trục trặc, buộc lòng nhân viên phải hẹn gặp trực tiếp chủ đất. Để tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ, chúng tôi ưu tiên giải quyết cho những cá nhân tự đi làm hồ sơ trước, sau đó mới đến các trường hợp qua trung gian.

Nhận thấy việc làm trên của văn phòng là chưa phù hợp, tôi đã gửi bản kiến nghị với mong muốn tình trạng trên được khắc phục. Tôi cho rằng việc ủy quyền là pháp luật không cấm, văn phòng không nên tư duy đó là trung gian mà phải xem xét giải quyết cho người dân đúng theo quy định.

Không thể so “ủy quyền” với “cò” ảnh 1

Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: TN

Đáp lại ý kiến của luật sư, ngày 15-3, văn phòng trên trả lời ý kiến của luật sư là đúng nhưng chưa đủ vì “pháp luật Việt Nam không cấm việc ủy quyền nhưng pháp luật không khuyến khích cò phát triển.”

Không biết việc ủy quyền có liên quan như thế nào đến “khuyến khích cò phát triển”, tôi đã có văn bản đề nghị ông giám đốc văn phòng giải thích nhưng tiếc là đến bây giờ vẫn chưa được hồi đáp.

Riêng tôi cho rằng cách trả lời trên của phía văn phòng là không chuẩn xác, xúc phạm đến những người được ủy quyền, đặc biệt với người hành nghề luật sư. Chữ “cò” trong đời sống xã hội được hiểu là người môi giới hoặc móc ngoặc với ai đó có quyền hạn để làm trung gian xin xỏ nhờ vả một việc nào đó nhằm hưởng chênh lệch như cò vé, cò xe, cò bệnh viện…

Còn “ủy quyền” theo quy định của Bộ luật Dân sự là một loại giao dịch trong đó “bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Vậy ủy quyền là một việc hợp pháp và rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Khi công việc luôn tất bật, không có thời gian đi lại hoặc vì không hiểu biết thủ tục… để giải quyết công việc nên người dân có thể ủy quyền cho nhau. Khi người được ủy quyền thực hiện công việc ủy quyền thì họ không còn nhân danh họ mà nhân danh bên ủy quyền. Đây không phải là “người môi giới hay là người trung gian”...

Luật sư LÝ THỊ NGỌC HIỆP

Không có ý quy đồng giữa ủy quyền với “cò”

Tôi không hề quy đồng chuyện ủy quyền với "cò" bởi quy định cho phép. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là hiện nay có một số tay "cò" chuyên đi làm dịch vụ. Họ cũng có giấy ủy quyền do UBND phường, xã xác nhận đầy đủ và thường xuyên có mặt tại phòng tiếp dân của văn phòng.

Quan điểm của chúng tôi là dù người dân đến trực tiếp hay ủy quyền cho luật sư chúng tôi đều tiếp nhận bình thường và cố gắng giải quyết đúng hẹn. Nhưng thời gian gần đây lượng hồ sơ quá nhiều nên chúng tôi ưu tiên người dân trước bởi họ phải sắp xếp công việc nhà, phải xin nghỉ việc cơ quan… nên không thể để họ chờ.

Ông PHAN HÙNG THANH, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền
sử dụng đất tỉnh Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa

THÀNH NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm