Lao động nam ế hàng

Thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm khiến nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp không còn rầm rộ như trước. Và một thực trạng mất cân đối đang diễn ra tại các KCX-KCN ở TP.HCM và Bình Dương, đó là lao động nam khó tìm việc hơn lao động nữ.

“Chỉ tuyển nữ, đừng hỏi mất công”

Mồ hôi nhễ nhãi, lách người tách ra khỏi đám đông đang cố chen lấn nộp hồ sơ xin việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm cạnh KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP.HCM), anh Nam (quê Đắk Lắk) lắc đầu, than vãn: “Gần ba tháng nay em về Sài Gòn tìm việc nhưng các công ty đều thông báo chỉ tuyển lao động nữ. Cực chẳng đã em mới đến các trung tâm giới thiệu việc làm nộp hồ sơ tìm việc nhưng họ bảo phải chờ”.

Để chắc ăn, anh Nam cùng người bạn tên Hải tiếp tục vòng xe đến các công ty đóng trong KCX Linh Trung I để rải hồ sơ. Sau hơn 1 giờ tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại các công ty, hai anh trở ra, vẻ mặt đầy thất vọng. Anh Hải nói: “Đảo hết các công ty ngành may mặc, giày da, điện tử trong KCX rồi mà họ đều quả quyết chỉ tuyển nữ chứ không tuyển nam”. Anh Hải và anh Nam cho biết thêm các công ty ở các KCN gần đó như Sóng Thần, Bình Đường (Bình Dương) và KCX Linh Trung II (Thủ Đức, TP.HCM) cũng thẳng thừng nói không tuyển lao động nam.

Lao động nam ế hàng ảnh 1

Do không tìm được việc trực tiếp từ các công ty nên lao động kéo đến các văn phòng giới thiệu việc làm ở bên ngoài để tìm kiếm cơ hội. Ảnh: P.ĐIỀN

Ở quê khó kiếm việc, học hết cấp 3 hai anh Thanh và Trung từ Quảng Bình khăn gói vào TP.HCM tìm việc gần hai tháng ròng nhưng vẫn chưa có. Anh Trung ngậm ngùi: “Em tưởng vào Sài Gòn tìm được việc ngay, ai dè... Trong khi đó, tiền nhà, tiền ăn mỗi tháng tốn hết gần 2 triệu đồng/người. Sắp tới không tìm được việc tụi em không biết lấy gì để sống!”. Hai anh cho biết cầm hồ sơ đến đâu, ngay từ cổng, bảo vệ đã cảnh báo chỉ tuyển lao động nữ mà cũng đã tuyển đủ.

Tuyển nữ vì chăm chỉ hơn nam

Một mình với chiếc bàn tuyển dụng “di động” bên lề đường, chị H., nhân viên của Công ty TNHH Kollan Việt Nam (chuyên về may mặc), cho hay: Công ty Kollan cần tuyển thêm vài trăm công nhân may cho các chuyền sản xuất mới mở rộng nhưng sếp “lệnh” chỉ tiếp nhận hồ sơ lao động nữ. Thực chất một số công đoạn trong ngành may mặc lao động nam làm tốt hơn nữ. Tuy nhiên, gần đây các công ty chỉ tập trung vào lao động nữ là do nữ làm việc chăm chỉ, không tụ tập gây bè phái như nam gây phiền phức trong quản lý con người.

Đại diện công đoàn Công ty TNHH Dea Yun phân tích: “Lao động nữ thường ôn hòa và làm việc tập trung, chăm chỉ hơn lao động nam. Vì lẽ đó mà các công ty thường ưu tiên tuyển lao động nữ, thay vì cân đối lao động nam nữ như trước đây”.

anh NTT, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Greystone Data System VN (lĩnh vực điện tử, viễn thông), chia sẻ thêm: Nhu cầu tuyển dụng hiện tại phân hóa rất rõ, chỉ những công việc thật nặng nhọc, nữ không kham nổi thì các công ty mới tuyển nam, còn lại ưu tiên tuyển lao động nữ theo tỉ lệ 10/1 (10 lao động nữ/một lao động nam).

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric VN (sản xuất các thiết bị điện tử), cho biết thêm: Cơ cấu lao động nam trong công ty chiếm khoảng 10% (trong tổng số gần 4.000 công nhân). “Không có sự phân biệt nào trong tuyển lao động nam nhưng do thời gian trước đây lao động nam từ các tỉnh miền Trung làm việc tại công ty thường hay gây rối khiến tình hình trong công ty không ổn định” - bà Vân nói.

Cẩn thận với chiêu không thu phí hồ sơ

Thực tế hiện nay, các trung tâm giới thiệu việc làm của KCX-KCN chưa kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp và lao động mới tìm việc thuận lợi. Trong khi đó, các văn phòng, trung tâm giới thiệu việc làm tự phát và “cò” ở bên ngoài các KCX-KCN lại hoạt động công khai, rầm rộ. Nắm bắt chính sách hoa hồng do các công ty trả cho cá nhân, đơn vị giới thiệu công nhân vào làm việc tại công ty (300.000-500.000 đồng/người), thay vì thu phí môi giới từ người lao động, các văn phòng giới thiệu việc làm và “cò” đã chuyển sang nhận hồ sơ “miễn phí”. Nhưng thực chất các nơi này móc nối với công ty âm thầm tuyển người để ăn hoa hồng. Số hồ sơ này sẽ được phân phối đến các công ty dưới dạng “chế độ chờ”, chừng nào công ty có thông báo tuyển người họ sẽ phụ thu thêm tiền “cà phê” của người lao động (300.000 đồng/người) khi đi nhận việc. Cách làm “từ thiện” này các văn phòng và “cò” ăn được hai đầu mà không bị mang tiếng xấu.

Cán bộ công đoàn một công ty ở KCX Linh Trung 1

Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM cũng chưa khảo sát về thực trạng này. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động nam hay nữ xuất phát từ nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và nội bộ từng ngành nghề chứ không thể nói đây là sự phân biệt trong tuyển dụng.

NGUYỄN VÕ MINH THƯ, Trưởng phòng Quản lý lao động
(Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM)

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm